Thời sự - Bình luận

Cứu trợ: Tình cảm và lý trí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những ngày này, miền Trung còn vật vã sau lũ, một cái tên xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội và được chia sẻ rất nhiều: ca sĩ Thủy Tiên.

Cô đã vận động được hơn 100 tỉ đồng và bất chấp nguy hiểm, vào vùng lũ giúp đỡ người hoạn nạn.

Trong bối cảnh này, một đồng giúp đồng bào hoạn nạn còn đáng quý chứ kể gì đến cả trăm tỉ đồng. Không chỉ Thủy Tiên, hàng trăm đoàn thiện nguyện khác, hàng vạn tấm lòng "vàng" cũng đang hướng về vùng lũ bằng nhiều cách hữu hiệu nhất, nhanh chóng nhất. Hàng vạn người dân vùng lũ đã được giúp đỡ bằng hoạt động tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và cơ quan đoàn thể.

Cũng trong lúc này, bỗng dưng nhiều người lại nhớ đến và mang ra mổ xẻ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành ngày 14-5-2008. Tựu trung, nhiều người lo rằng nghị định này đã hạn chế sự thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống nhà nước đã được quy định. Mà đúng, qua 12 năm ban hành, một số quy định mang tính bảo toàn của nghị định này đã không theo kịp thực tế. Đơn cử: như tại điều 5 quy định ngoài Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng... thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Nói như thế thì Thủy Tiên và nhiều cá nhân, tổ chức khác đã "vượt rào"? Điều này đã gây thắc mắc với nhiều người muốn tự thân giúp đỡ người khó khăn. Còn trong thực tế, chẳng có đoàn cứu trợ nào bị ngăn cấm cả mà các cơ quan chức năng trung ương và địa phương luôn chào đón, cảm kích và tạo điều kiện để sự giúp đỡ đến đúng nơi cần thiết nhất. Nếu như không có quy định ngăn chặn việc lợi dụng cứu trợ để trục lợi cho cá nhân thì có lẽ đã có những khoản tiền lớn vào túi ai đó, trong khi những người cần sự trợ giúp thì lại không được.

Cũng từ Nghị định 64, ít ai lưu ý điều 3: Các hành vi bị nghiêm cấm: 1 - Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo. 2 - Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. 3 - Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Như thế đã khá minh bạch, Nghị định 64 nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho công tác vận động, cứu trợ và ngăn ngừa sự vụ lợi có thể xảy ra. Điều này là cần thiết nhưng đến nay phải có những quy định cụ thể hơn để khuyến khích tinh thần thiện nguyện của người dân.

Làm từ thiện mong sớm mang lại miếng cơm manh áo cho người khó khăn thì cũng dễ cảm tính. Và sự thật là không ai kiểm soát được những đồng tiền này ngoài người cầm giữ nó. Sự giúp đỡ cấp thời quan trọng nhưng càng quan trọng hơn là tạo nền móng để người dân nghèo có thể vững chãi trong cuộc sống thường nhật, khi thiên tai xảy ra còn đủ cơ hội để thoát thân hoặc xa hơn là tự ứng phó. "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", năm bảy triệu đến tay người nghèo cũng không đắp đủ nổi những khó khăn về ruộng vườn thất bát, nhà cửa hư hao, con cái đói rét.

Với người dân vùng thiên tai, thời gian gần thì họ cần gầy dựng lại vườn tược, nhà cửa; xa hơn là họ cần nghề nghiệp có thu nhập ổn định để có tích lũy và đủ cơ hội lo cho tương lai của thế hệ kế tiếp. Mà điều này thì chẳng cá nhân nào làm nổi.

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm