Thời sự - Bình luận

Đã mở thì phải thông thoáng, đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, đường bay quốc tế thương mại chính thức mở ra đón bà con Việt kiều và khách quốc tế tới Việt Nam.

Thế nhưng ngay tại nội địa, nhiều địa phương, đơn vị vẫn đưa ra những quy định riêng làm khó người dân, làm khó du khách.

Đơn cử như bay tới Hà Nội, tất cả hành khách phải có chứng nhận test Covid-19 âm tính. Thế nhưng, giấy chứng nhận có giá trị trong 72 giờ này không được một số khách sạn ở thủ đô chấp thuận mà đòi kết quả test phải ở Hà Nội. Vậy là rất nhiều người, mới test ở sân bay Tân Sơn Nhất vài tiếng trước đó lại phải đi test lần nữa, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí.

Tương tự, dù đã thống nhất ứng dụng PC-Covid do Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch nhưng nhiều địa phương vẫn dùng các phần mềm khác để kiểm soát khiến du khách phải tìm hiểu và tải rất nhiều ứng dụng nếu muốn đi du lịch. Khách quốc tế vào VN cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục và phần mềm khai báo mới được nhập cảnh. Nói như đại diện một công ty du lịch, những phần mềm này sẽ vô cùng khó khăn cho các du khách quốc tế và tốn rất nhiều thời gian làm thủ tục, trong khi để phòng tránh lây nhiễm, cần phải giải phóng người một cách nhanh nhất.

Việc áp dụng cho mở cửa các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, cà phê... cũng vậy. Mỗi tỉnh, thành; mỗi loại hình dịch vụ lại áp dụng “định mức” thời gian khác nhau. Có tỉnh chỉ cho mở đến 9 giờ tối, có tỉnh cho mở đến 10 giờ. Siêu thị được mở đến 10 giờ tối nhưng nhà hàng, quán ăn chỉ mở đến 9 giờ... mà không có một nghiên cứu nào cho thấy ngồi thêm vài tiếng thì bệnh dịch sẽ lây lan hay lây lan nhanh hơn. TP.HCM hồi giữa tháng 11 tính cho mở lại karaoke nhưng lại quy định chỉ mở đến 21 giờ, khiến các chủ quán lắc đầu vì “ít ai đi hát karaoke trước 21 giờ tối cả”. Sau đó vì diễn biến phức tạp của dịch, TP đã tạm ngưng việc mở lại các loại hình kinh doanh này cho tới hiện nay. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, nếu cho mở mà lại giới hạn giờ giấc như vậy thì họ cũng bó tay, không thể hoạt động được vì chi phí để vận hành thì lớn mà “giờ vàng” lại bị cắt sóng.

Thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch đang kỳ vọng rất nhiều vào việc đón khách Việt kiều hồi hương dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như khách quốc tế đến du lịch VN khi đường bay thương mại quốc tế chính thức được mở từ 1.1.2022. Thế nhưng, điều họ trông ngóng hơn cả là hướng dẫn, công bố thời điểm thực hiện miễn cách ly y tế đối với người nhập cảnh, nhất là yêu cầu thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể với trường hợp nếu một du khách không may bị F0 hay F1 thì ứng xử với cả đoàn thế nào? Nếu không, nguy cơ phong tỏa, cách ly cả đoàn ở chỗ này, chỗ kia là rất lớn.

Không chỉ du lịch, đường bay quốc tế mà cả kinh tế nói chung, đã mở thì cần thông thoáng, đồng bộ, mọi quy định nên bắt đầu từ căn cứ khoa học, có khảo sát, thống kê, số liệu chứ không phải bằng cảm tính và nỗi sợ hãi chung chung. Chứ cứ chỗ mở chỗ đóng, trên thông dưới tắc hay đưa thêm các quy định để trói chân người dân, doanh nghiệp và du khách thì những nỗ lực hồi phục kinh tế sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo NIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm