Đặc sản của núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khoảng tháng 5 Âm lịch, mùa mưa bắt đầu cũng là lúc rừng le cho những búp măng non ngon ngọt. Măng sau khi hái về thái mỏng, phơi nắng hoặc sấy lò, làm thành món đặc sản không phải ở đâu cũng có được.
 

Ảnh: Phương Linh

Trong tất cả các loại măng thì măng le được ưa chuộng nhất bởi đặc ruột, lại ngọt, bùi, không có vị đắng, lúc tươi thì vị mát lành, khi phơi khô lại có độ giòn dai. Và cũng chỉ có măng khô làm tại Gia Lai mới được nhiều thực khách ưa chuộng. Chị Long-Chủ cơ sở phân phối măng khô Nam Long (đường Nguyễn Hữu Huân, TP. Pleiku) cho biết: “Cơ sở của tôi cung cấp măng khô của cả Kon Tum và Gia Lai, nhưng măng của Gia Lai mình được tiêu thụ mạnh hơn vì sấy đạt chuẩn, măng giữ màu đẹp và cũng ngon hơn”. Theo chị Long, ở Tây Nguyên thì hầu như tỉnh nào cũng có măng, nhưng cách chế biến, phơi khô thì chỉ có Gia Lai là tốt nhất.

Mùa mưa kéo dài nhiều tháng, những mụt măng non cứ tiếp nhau mọc lên mãi. Người dân thuộc các vùng măng như Chư Prông, Đức Cơ, Mang Yang mỗi ngày hái về hàng chục gùi măng bán lại cho các lò sấy để chế biến thành măng khô. Nhưng có lẽ, nơi được coi là chuyên sản xuất măng khô phải kể đến xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang), đây cũng là vùng núi cho món “lộc rừng” nhiều nhất trong cả tỉnh. Cứ đến mùa măng, gần chục lò sấy tại vùng này luôn đỏ lửa. Sau khi trải qua các công đoạn bóc vỏ, thái lát mỏng rồi đưa vào lò sấy cho đến khi đủ độ, những bao măng khô lại lên đường, tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Cũng bởi không sử dụng hóa chất khi sấy nên măng khô Gia Lai có màu hổ phách, đặc biệt măng để bao lâu cũng không bị chuyển màu, khi ngâm nước thì nở đều và chuyển thành màu vàng đẹp mắt.

 

Ảnh: Phương Linh

Măng khô cũng được chia thành hai loại: măng xé và măng lát. Măng xé là loại măng được làm từ những mụt măng non đầu tiên, có kích thước nhỏ và rất non. Trước khi sấy người ta chỉ cần cắt đôi hoặc để nguyên mụt măng như thế. Măng lát thì ngược lại, to và được chẻ ra thành những lát mỏng. Măng khô rất thích hợp với các món hầm, xào và đặc biệt được nhiều gia đình dùng trong mâm cỗ ngày Tết. Vì thế, tùy vào sở thích của người tiêu dùng mà lựa chọn cho mình loại măng để chế biến sao cho phù hợp.  

Với cách làm khá đơn giản, nhiều gia đình thuộc các vùng măng cũng tự thu mua măng tươi về luộc, cắt lát và phơi khô dưới ánh nắng, để dành chế biến món ăn trong nhà hoặc làm quà tặng người thân. Cô Phạm Thị Nhung (huyện Chư Prông) cho hay: “Mỗi năm, tranh thủ lúc có măng là tôi lại mua vài gùi về phơi khô để dành nấu vào dịp Tết, có thời gian thì tự làm măng khô như vậy cũng ngon và đảm bảo hơn”.

Măng khô Gia Lai được bán với giá từ 280.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku buôn bán mặt hàng khô thì, mặc dù nguồn măng từ khắp nơi nhập về, nhưng măng khô Gia Lai vẫn được nhiều người tới hỏi và mua để chế biến, làm quà. Măng khô giờ đây không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một món đặc sản của núi rừng Gia Lai, theo chân người bản địa đến khắp các tỉnh thành trong cả nước và cả nước ngoài.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm