Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Mối duyên nợ với báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Võ Nguyên Giáp bước vào làm báo trong giai đoạn hoạt động báo chí sôi nổi thời Mặt trận Bình dân (1936 - 1939).

 Võ Nguyên Giáp thời kỳ viết báo Le Travail - Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Võ Nguyên Giáp thời kỳ viết báo Le Travail - Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH



Bài báo đầu tiên

Khi cuộc bãi khóa tại Trường Quốc học Huế (1927) bùng lên, Võ Nguyên Giáp là một trong những người tổ chức bãi khóa, nghĩ đến việc phải đưa tin, viết bài đăng báo cho dư luận biết để ủng hộ đấu tranh. Khi đó, tờ L'Annam xuất bản bằng chữ Pháp ở Sài Gòn là tờ báo tiến bộ nhất, học sinh các trường trung học và sinh viên đại học rất thích đọc. Võ Nguyên Giáp được anh em ủy nhiệm viết bài gửi đăng trên báo L'Annam về cuộc đấu tranh này. Đây là lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp viết bài gửi đăng báo.

Tác giả cho biết, đây là bài được viết với tất cả tâm huyết, rất công phu.

Khi tuổi đã cao, được hỏi về thời kỳ viết báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở đầu đằm thắm khi ôn lại chuyện xưa với các đồng nghiệp: “Mối duyên nợ của tôi với báo chí bắt đầu từ đấy. Suốt những năm đó, nghề chính của tôi là dạy học ở Trường Thăng Long, tôi cũng đã nộp đơn học ở trường luật, nhưng phần lớn thời gian lại dành cho công việc báo chí”.

Đấu tranh báo chí trong vòng pháp luật

Luật Báo chí của Pháp (1881) - được ban hành ở Đông Dương (1887) quy định: xuất bản báo chữ Pháp thì không phải xin phép. Vì vậy, nhóm cộng sản mà đứng đầu là Nguyễn Thế Rục, chủ trương xuất bản báo Le Travail. Tờ báo không lấy danh nghĩa của tổ chức nào, chỉ đề: “Tuần báo chính trị và kinh tế ra vào các ngày thứ tư”. Báo Le Travail ra số 1, ngày 16.9.1936. Võ Nguyên Giáp tham gia ban biên tập cùng với Phan Thanh, Phan Tư Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Công Truyền...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành trong công trình Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Lý luận Chính trị, 2005) đã viết: “Võ Nguyên Giáp vừa sửa bài, quyết định đăng báo, vừa viết bài. Nói chung, các bài đều không có tên tác giả để làm cho bọn mật thám khó phát hiện tác giả”.

Qua nghiên cứu của Nguyễn Thành cho thấy trên báo Le Travail, Võ Nguyên Giáp viết phóng sự điều tra về tình hình những vùng bị lụt tháng 9.1936. Nông dân chạy lụt mặc đồ rách, đi hàng nhóm, gồng gánh nông cụ, đồ dùng gia đình, quần áo nhét trong những tay nải cũ bằng gai hay chiếu rách. Về phong trào công nhân, Võ Nguyên Giáp viết 5 bài đăng trên 5 số báo, trong đó nổi tiếng nhất là bài về cuộc đình công của 6.000 công nhân mỏ Cẩm Phả (tháng 11.1936)

Sau khi được tin công nhân mỏ Cẩm Phả đình công, Ban biên tập báo Le Travail phân công Võ Nguyên Giáp đi Cẩm Phả tìm hiểu tình hình, viết bài. Khẩn trương chuẩn bị lên đường, ông bàn với đồng nghiệp ở Trường Thăng Long nhường thời gian cho mình giảng bài trước. Ông đã dồn hai bài làm một để kéo dài những ngày tiếp xúc với công nhân Cẩm Phả. Sửa sang lại chiếc xe đạp cũ kỹ để bảo đảm an toàn trên đường dài, Võ Nguyên Giáp sắp xếp hành lý gọn nhẹ, đủ giấy bút để viết, ông đạp xe từ Hà Nội xuống khu mỏ Cẩm Phả (tỉnh Quảng Yên, nay là tỉnh Quảng Ninh).

Cuộc đình công bắt đầu từ giữa tháng 11.1936. Nhân danh báo Le Travail, tác giả phóng sự viết: “Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết anh em với những người khốn khổ đang đấu tranh vô hy vọng vì cuộc sống của họ bị thường xuyên đe dọa bởi những điều kiện làm việc khắc nghiệt và bởi mối lo thường xuyên về bệnh tật và đói kém, chúng tôi yêu cầu họ hãy giữ bình tĩnh, cảnh giác với những sự khiêu khích của giới chủ, tổ chức những ủy ban đình công trong trật tự và kỷ luật, trình bày rõ ràng những yêu sách của họ, cử một phái đoàn công nhân gặp ban giám đốc để bênh vực những yêu sách đó, tóm lại để đàm phán với chủ, sau cùng gửi những yêu sách đó lên chính quyền sở tại, cho đăng báo.

Đình công của họ phải là một hành động chính đáng và hợp pháp. Những ai không muốn thấy tại nước ta một chế độ áp bức và bóc lột vô nhân đạo phải ủng hộ cuộc đình công”.

Võ Nguyên Giáp đã phản ánh khá tỉ mỉ, trung thực tình hình lao động và sinh hoạt của công nhân mỏ Cẩm Phả. Qua bài viết, ông phân tích nguyên nhân và quá trình diễn biến của cuộc đình công; đồng thời tỏ thái độ ủng hộ, đoàn kết với công nhân và kêu gọi mọi người hãy cùng ủng hộ, đề ra tư tưởng chỉ đạo của cuộc đấu tranh có tổ chức kỷ luật, trật tự, trong vòng pháp luật, không manh động, không bị khiêu khích.

Cuộc đình công thắng lợi. Báo Le Travail ngày 27.11.1936 đăng bài của Võ Nguyên Giáp với nhan đề: Những bài học của một cuộc đình công thắng lợi.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành (1928 - 2007) trong công trình Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận: “Số đầu bài đã nhiều, phần lớn bài viết dài, chất lượng cao, có giá trị về nhiều mặt, đề cập đến các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, quốc gia và quốc tế, là tài sản vô cùng quý báu, để lại mãi mãi cho đời”.


Theo Khải Mông (TNO)

Có thể bạn quan tâm