Bạn đọc

Đak Đoa: Kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 24-5, ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: Ngay sau khi Báo Gia Lai điện tử phản ánh việc phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Hà Đông và xã Hải Yang, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh phần lớn diện tích rừng bị dân chặt phá tại xã Hà Đông đều là đất rẫy cũ của dân, phát dọn lại sau 5-6 năm bỏ canh tác. Riêng tại tiểu khu 456 xã Hải Yang, đoàn liên ngành vẫn đang xác minh các vụ lấn chiếm đất rừng từ năm 2015 đến nay và sẽ có biện pháp xử lý đối với cán bộ, đảng viên tham gia lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Rừng Hà Đông vẫn bị xâm lấn do thiếu đất sản xuất. Ảnh: N.G

Trước đó, 18-5, Báo Gia Lai điện tử có bài phản ánh “Gia Lai: Rừng Đak Đoa bị xâm hại nặng?”. Ngay trong ngày 19-5, UBND huyện Đak Đoa đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra sự việc báo nêu. Biên bản của đoàn kiểm tra nêu rõ: Tại 3 tọa độ xác minh thuộc tiểu khu 410, 406 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, địa phận xã Hà Đông với diện tích 15.800 m2 đều là đất lâm nghiệp không có rừng. Những cây rừng, khoảnh được báo ghi nhận phản ánh đều là đất rẫy cũ của dân bỏ và được canh tác lại sau nhiều năm.

Cũng tại địa phận xã Hà Đông, ngay từ đầu năm 2016, UBND huyện đã chỉ đạo lập đoàn liên ngành, trích kinh phí để đoàn thường xuyên bám sát, chủ động đẩy lùi kịp thời các hành vi xâm lấn rừng. Qua đó, phát hiện, ngăn chặn 6 vụ lấn chiếm đất rừng.

Tại xã Hải Yang, tại các tiểu khu 456, 457, từ năm 2015 đến nay đã xảy ra 11 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp (năm 2015 có 7 vụ với diện tích 11,05 ha, xử phạt 4 vụ).
Ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Xã Hà Đông có 840 hộ, với hơn 4.660 nhân khẩu. Từ trước đến nay, chưa có một diện tích đất nào được cấp cho dân. Toàn bộ trụ sở làm việc, trường học, nhà dân, đất rẫy...đều nằm trên đất rừng. Đây là thực trạng diễn ra tại xã trong suốt nhiều năm qua khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Về việc này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã làm việc, chỉ đạo các ngành đo đạc các loại rừng, hiện trạng sử dụng đất tại Hà Đông để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ xem xét, chuyển đổi một phần đất lâm nghiệp không có rừng thành đất nông nghiệp. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng mà hàng trăm hộ dân vùng khó đang thiếu đất sản xuất tại Hà Đông mong đợi.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm