Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở và khi có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám. Ảnh minh họa: Nguyên Dung/TTXVN |
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân là H.H.K (nam, sinh năm 2013, trú tại phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhân, ngày 10/8, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều, được người nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm (thành phố Buôn Ma Thuột) điều trị. Ngày 14/8, bệnh nhân diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng cuối ngày thứ 4 có sốc/thừa cân. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong lúc 13 giờ 30 phút ngày 15/8 với chẩn đoán: sốc sốt xuất huyết Dengue nặng cuối ngày thứ 5 tái sốc lần 1 có suy đa tạng nặng/thừa cân.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột triển khai các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra véc tơ truyền bệnh.
Kết quả điều tra véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết ghi nhận sự hiện diện của muỗi Aedes Aegypti, chỉ số BI: 33,3; chỉ số mật độ muỗi: 0,3 con/nhà. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột và Trạm Y tế phường Thành Công đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực ghi nhận ca bệnh; đồng thời, truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Từ cuối tháng 7 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk, dịch sốt xuất huyết gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch, điểm "nóng" về dịch bệnh. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
UBND tỉnh giao các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước có nguy cơ cao, loại trừ lăng quăng, bọ gậy tại tất cả các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình trên địa bàn. Các trung tâm Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch bảo đảm đúng kỹ thuật và thực hiện giám sát, đánh giá các chỉ số véc tơ trước và sau khi phun hóa chất…
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Theo Nguyên Dung (TTXVN)