Thời sự - Sự kiện

Đak Pơ khởi sắc nhờ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Tập trung xây dựng làng nông thôn mới

Huyện Đak Pơ có 20 làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào DTTS, huyện tập trung đầu tư xây dựng làng Jun (xã Yang Bắc) đạt chuẩn NTM năm 2019. Phát huy kết quả đạt được, xã Yang Bắc đăng ký xây dựng làng Bung Bang Hven đạt chuẩn NTM năm 2023.

Bà Đinh Thị Săk-Bí thư Chi bộ làng Bung Bang Hven-cho biết: Làng có 118 hộ/485 khẩu, đồng bào DTTS chiếm gần 90%. Những năm qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư, tất cả các tuyến đường từ trung tâm xã đến làng được nhựa hóa, bê tông hóa; 80% đường trục làng, ngõ xóm được cứng hóa; hơn 70% đường ra khu sản xuất được cứng hóa.

Năm 2023, làng được đầu tư gần 2 tỷ đồng để làm đường và hệ thống thoát nước, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng và triển khai thực hiện mô hình “con đường hoa”.

Gia đình anh Đinh Hùng (làng Hven, thị trấn Đak Pơ) được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để sớm ổn định chỗ ở. Ảnh: Ngọc Minh

Gia đình anh Đinh Hùng (làng Hven, thị trấn Đak Pơ) được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để sớm ổn định chỗ ở. Ảnh: Ngọc Minh

“Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm.

Hiện làng chỉ còn 8 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Hơn 90% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cuối năm 2023, làng Bung Bang Hven đạt 19/19 tiêu chí NTM”-bà Săk nói.

Nói về công tác xây dựng làng NTM, ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho hay: Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã và hệ thống chính trị đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chủ động đăng ký các nội dung, phần việc trong xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS. Xã đang hoàn tất hồ sơ trình UBND huyện công nhận làng Bung Bang Hven đạt chuẩn NTM năm 2023.

Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, giai đoạn 2019-2023, huyện huy động được hơn 239 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, huyện đầu tư nhiều hạng mục công trình giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và xử lý môi trường tại các xã, làng xây dựng NTM. Những năm tới, trên cơ sở nguồn vốn xây dựng NTM, huyện tiếp tục bố trí và phấn đấu mỗi năm có thêm 1 làng đạt chuẩn NTM.

Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn

Năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình MTQG gồm: phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM của huyện Đak Pơ là gần 30 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2-2024, huyện đã giải ngân đạt từ 84,1% đến 96,1% kế hoạch.

Trong năm 2023, địa phương có tổng nguồn vốn các chương trình hơn 49 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân đạt từ 53,1% đến 67,6% kế hoạch; số vốn còn lại tiếp tục triển khai đầu tư vào các dự án, công trình.

Diện mạo nông thôn huyện Đak Pơ ngày càng khởi sắc. Ảnh: N.M

Diện mạo nông thôn huyện Đak Pơ ngày càng khởi sắc. Ảnh: N.M

Bà Nguyễn Thị Lan Anh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Huyện đã giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 đạt 84,09%, năm 2023 đạt 57,65% và tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của dự án, tiểu dự án thuộc chương trình năm 2022, 2023 chuyển nguồn qua năm 2024 theo quy định.

“Nhờ chủ động nguồn vốn mà việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện đạt kết quả cao. Theo đó, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 1,8%, vượt so với chỉ tiêu 1,69% mà UBND tỉnh giao; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS là 5,61%”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho hay.

Còn ông Nguyễn Thế Công-Trưởng phòng Dân tộc huyện thì thông tin: Tổng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 10,785 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 9,784 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch; năm 2023 là 32,777 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 17,62 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch.

Từ nguồn vốn này, huyện triển khai thực hiện 10 dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói chung và vùng DTTS nói riêng.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Khánh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-nhấn mạnh: “Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai thực hiện để giải ngân nguồn vốn của năm 2022, 2023 còn lại chuyển nguồn sang năm 2024 theo quy định, đảm bảo hoàn thành trong quý I.

Với nguồn vốn năm 2024, UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được phân bổ vốn làm chủ đầu tư các dự án chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện trong quý I, tập trung triển khai các chương trình đảm bảo đúng tiến độ và quy định”.

Có thể bạn quan tâm