(GLO)- Những năm gần đây, người dân ở huyện Đak Pơ, Gia Lai đã tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Qua đó, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng/năm.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, ông Trần Văn Khánh (thôn 1, xã Hà Tam) kể: Trước đây, trên khu đất rộng 6 ha này, gia đình ông chỉ trồng mía, mì. Năm 2015, khi giá 2 loại cây này bấp bênh, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình, ông Khánh quyết định chuyển sang trồng keo và cây ăn quả. Theo đó, với hơn 1 ha đất đồi cao, nhiều đá, ông trồng cây keo. Diện tích còn lại sau khi cải tạo, lắp đặt hệ thống ống tưới nước tự động, ông Khánh trồng 800 cây na, 400 cây dừa xiêm lùn, 400 cây bưởi da xanh, 200 cây mít Thái, 300 cây bơ, 300 cây chanh đào, 300 trụ hồ tiêu, 50 cây cóc, 150 cây xoài Đài Loan, 200 cây ổi, 500 cây mãng cầu gai và 20 cây sầu riêng. Các loại cây ăn quả này được ông trồng theo từng khu để tiện cho việc chăm sóc và ngăn ngừa sâu bệnh. Bên cạnh đó, ông tận dụng khoảng trống giữa các hàng cây, rìa bờ để trồng 500 cây đu đủ và hơn 1.000 bụi dứa. “Từ đầu năm đến nay, một số cây ăn quả đã cho thu hoạch gần 70 triệu đồng. Sang năm, tất cả các loại cây ăn quả đồng loạt đến kỳ thu hoạch thì doanh thu sẽ cao hơn nhiều”-ông Khánh phấn khởi nói.
Ông Trần Văn Khánh (thôn 1, xã Hà Tam) chăm sóc vườn cây với hàng chục loại cây ăn quả. Ảnh: N.M |
Cách vườn cây của gia đình ông Khánh không xa là hơn 1 ha trồng bưởi, quýt đường và chanh đào của hộ ông Nguyễn Hữu Thương (cùng thôn). Ông Thương cho hay: Sau khi được một người bạn giới thiệu về mô hình trồng chanh đào và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm 2015, ông phá bỏ hơn 1 ha mía năm thứ 3 để chuyển sang trồng loại cây này. Mỗi năm, 500 gốc chanh đào cho doanh thu 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sợ cây chanh đào mất mùa, mất giá ảnh hưởng đến thu nhập, năm 2017, ông trồng thêm 200 gốc bưởi da xanh, 300 gốc quýt đường và một số cây ngắn ngày khác. “Trồng một loại cây chẳng may mất mùa, mất giá thì trắng tay. Đa dạng cây trồng, mùa nào thức nấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên. Đặc biệt, đa dạng hóa cây trồng sẽ gia tăng lợi ích kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích so với chuyên canh một loại cây”-ông Thương chia sẻ kinh nghiệm.
Năm 2015, gia đình chị Trần Thị Tuyết (thôn An Định, xã Cư An) cũng phá bỏ hơn 2 ha mía để trồng 1.000 cây na dai, 100 cây bơ sáp, 100 gốc bưởi da xanh và 5 sào quýt đường. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây của gia đình chị phát triển xanh tốt, cho quả đều. Hầu như tháng nào gia đình chị cũng có thu nhập từ việc bán các loại trái cây. “Sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Có tiền nên việc chi tiêu, mua sắm hoặc tái đầu tư cũng chủ động và thuận lợi hơn”-chị Tuyết thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 339 ha cây ăn quả. Trong đó, xã Hà Tam có 27,2 ha, An Thành 12,4 ha, Cư An 93,5 ha, Tân An 12,8 ha, Phú An 46,77 ha, Yang Bắc 116,72 ha, Ya Hội 19 ha và thị trấn Đak Pơ 10,8 ha.
“Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi hơn 100 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt, bơ, quýt đường, nhãn lồng, chanh dây… Mô hình đa dạng hóa cây ăn quả mà người dân đang thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hình thức canh tác này không chỉ tạo nguồn thu nhập quanh năm cho người dân mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình này. Đồng thời, Phòng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”-ông Hiệp thông tin thêm.
NGỌC MINH