Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đầm ấm bữa cơm Tất niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Nguyên đán đang đến thật gần. Cùng với những bận bịu lo toan mua sắm Tết, nhà nhà lại quây quần sửa soạn làm bữa cơm Tất niên, trước là để dâng lên ông bà tổ tiên tấm lòng thành kính, sau là dịp để gia đình sum họp trong ấm áp tình thân cùng nhau bàn những việc trong năm mới.

Thường thì từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi, nhiều gia đình đã bắt đầu làm cơm Tất niên. Với những người làm ăn buôn bán nhỏ, bữa cơm Tất niên hoặc được tổ chức sớm hẳn, tầm khoảng từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp hoặc là vào đúng chiều muộn ngày 30 Tết, khi công việc bán buôn đã xong xuôi. Với những gia đình có con cái đi học xa hay người thân đi làm ngoài tỉnh, bữa cơm Tất niên thường được tổ chức vào những ngày áp Tết, khi mọi người đã được nghỉ học, nghỉ làm, có mặt ở nhà đông đủ. Tùy từng gia đình mà mời khách, thường thì là những bạn bè thân thuộc và hàng xóm láng giềng. Cũng tùy vào từng gia đình mà sắp món, nhưng tựu trung lại thì hầu như mâm cơm nhà nào cũng có bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu, dưa hành, giò chả và những món ăn ngon nhất, đặc trưng nhất mà gia chủ muốn dâng lên ông bà tổ tiên, sau thì để thiết bạn.

 

Bữa cơm Tất niên là dịp để gia đình sum họp. Ảnh: Internet

Anh Nguyễn Văn Hiệp (tổ 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) năm nay tổ chức tất niên khá sớm, từ ngày 19 tháng Chạp. Anh Hiệp cho hay: “Mọi năm, gia đình tôi thường phải đến 29, 30 Tết mới sắp cơm Tất niên. Năm nay, khi biết có một số anh em bạn bè của mình về quê ăn Tết, tôi bèn tổ chức Tất niên sớm để mời họ, bởi đây cũng là dịp chúng tôi ngồi lại cùng nhau chuyện trò tâm sự. Cơm Tất niên nhà tôi khá đơn giản, toàn những món hai vợ chồng tự làm, chỉ bánh chưng là mua ở chợ. Bữa cơm diễn ra rất vui vẻ, ai nấy đều cảm thấy ấm áp, hân hoan”.

Cũng tổ chức bữa cơm Tất niên khá sớm cho gia đình con gái về quê đón Tết với bố mẹ chồng, ông Phan Tài (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Theo quan niệm của người Việt, bữa cơm Tất niên thường được tổ chức vào chiều 30 Tết, lúc đó mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết của gia đình cơ bản đã xong. Ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, bữa cơm Tất niên còn là để mời ông Công, ông Táo trở về gian bếp nhỏ của mỗi nhà tiếp tục phần việc của mình cho 365 ngày tới. Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Nhà tôi, hàng năm cũng đến chiều 30 mới làm Tất niên nhưng năm nay vì các con về quê ăn Tết nên tổ chức sớm hơn thường lệ, rất ấm cúng bởi con cháu đông đủ và anh em bạn bè xóm giềng cũng góp mặt chung vui”.

Vẫn giữ nếp nhà là tổ chức cơm Tất niên vào chiều 30 Tết, bà Nguyễn Thị Luyến (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Mâm cơm Tất niên nhà tôi không quá cầu kỳ nhưng năm nào cũng đủ đầy từ bánh chưng, giò lụa, gà luộc đến canh măng, xôi, chè… Đặc biệt, mâm ngũ quả được tôi lựa chọn khá kỹ càng, quả phải tươi, màu sắc phải đẹp, gồm chuối, bưởi, xoài, táo và mãng cầu. Cứ sáng 30 Tết, tôi cùng các con đi chợ để mua đầy đủ các vật phẩm, sau đó về mấy mẹ con cùng xắn tay vào bếp, vừa làm vừa chuyện trò. Việc mời khách, chủ yếu là anh em thân cận và hàng xóm thì để ông xã lo. Sau mỗi lần cả nhà chung tay làm Tất niên như thế, tôi thấy tình cảm gia đình càng thêm gắn bó. Qua trò chuyện, tôi thêm hiểu các con từ đó mà động viên chúng chăm lo làm ăn trong năm mới. Sau bữa cơm tất niên, tôi cũng hiểu thêm những tâm tư tình cảm của anh em, bà con xóm giềng, từ đó mà liệu bề cư xử…”.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm