Đảm bảo an sinh xã hội cho dân cư nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Những chủ trương giải pháp bảo đảm an sinh xã hội là nhằm tạo ra “lưới an toàn” cho tất cả các nhóm dân cư, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là nhóm dân cư dễ bị tổn thương do những biến động xã hội gây nên để họ vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống.
Việc bảo đảm an sinh xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đề ra với nhiều giải pháp ngày càng được mở rộng, nhất là các giải pháp an sinh xã hội cho dân cư nông thôn, dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế, chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với người có công… đã góp phần rất lớn đảm bảo cho các đối tượng nói trên có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Ảnh: Đức Thụy
Tuy nhiên, những giải pháp để mở rộng bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng xã hội nói chung và dân cư nông thôn nói riêng được thụ hưởng còn thấp. Mức cứu trợ cho dân cư nông thôn khi gặp thiên tai vừa thấp, vừa thiếu kịp thời, mức phụ cấp cho đối tượng người có công còn quá thấp, do đó đời sống của các đối tượng này chưa được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện cho dân cư nông thôn.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn do biến động thị trường, một bộ phận nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đói đã và đang xảy ra.
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, các dự án đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng các nhà máy thủy điện… nên một số hộ nông dân mất đất, ít đất nông nghiệp có xu hướng gia tăng. Trên địa bàn Gia Lai, ngoài tình trạng nói trên, tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong một số vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra với nhiều lý do, trong đó đáng chú ý diện tích đất sản xuất bị thu hẹp nhưng tay nghề thấp nên việc tìm kiếm việc làm mới hoặc được tiếp nhận vào các đơn vị trồng cao su cũng rất khó khăn. Các hộ nông dân bị thu hồi đất do các công trình thủy điện nếu công tác đền bù, giải quyết đất cho họ sản xuất không kịp thời hoặc khó khăn khi canh tác thì đời sống các hộ này sẽ khó khăn.
Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh thường xảy ra đã làm cho một bộ phận nông dân lâm vào cảnh nghèo đói. Vì vậy tỷ lệ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Cả nước có khoảng 3 triệu hộ nghèo, trên 1,6 triệu hộ cận nghèo (tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 là 45%), tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Lai là 10,48%, hộ cận nghèo chiếm 5,91%.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ đạo: Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống. Tăng tỷ lệ người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huy động mọi  nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công.
Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, theo chúng tôi, trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần vận động nông dân tích cực tham gia các hình thức bảo hiểm tự nguyện; chú trọng nâng cao vai trò hoạt động các hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội để tiếp tục vận động các thành viên thực hiện có kết quả các biện pháp an sinh xã hội được ban hành cần quán triệt sâu sắc để hướng dẫn cho phù hợp, đa dạng các hình thức an sinh xã hội cho dân cư nông thôn, dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường kiểm soát hoạt động của quỹ an sinh xã hội để quỹ này thực sự góp phần giải quyết những khó khăn hiện nay của dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Phi

Có thể bạn quan tâm