Đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những chiếc còi hú cảnh báo khi có sự cố hồ đập quay về 4 hướng có tầm ảnh hưởng trên 3 km được Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 3a lắp đặt trên đập chính của công trình kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, mặc dù chưa sử dụng lần nào nhưng vẫn phải thường xuyên bảo dưỡng, thay thế hàng năm. Theo ông Trần Văn Viên-Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty thì đây là nhiệm vụ bắt buộc và bất di, bất dịch, không chỉ với công trình thủy điện Sê San 3a mà đối với mọi công trình thủy điện, hồ chứa trong quá trình vận hành.
 

Ảnh: Gia Cư

Được xây dựng từ năm 2002, đưa vào vận hành từ năm 2006 có công suất 108 Mgw với dung tích hồ chứa trên 86 triệu m3, việc xây dựng và bổ sung các phương án bảo đảm an toàn hồ đập và vận hành liên hồ chứa luôn được đơn vị chú trọng triển khai từ nhiều năm qua, nhất là trong thời điểm trước mùa mưa lũ. Cùng với đó, công tác duy tu bảo dưỡng máy móc thiết bị cũng được nhà máy thực hiện thường xuyên. Năm 2013 nhà máy đã được phê duyệt các phương án đảm bảo an toàn hồ đập đã có kết quả, hiện đơn vị đã gửi cho các ngành chức năng và địa phương. Năm 2014, thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Công thương, nhà máy đã xây dựng bổ sung phương án, chuẩn bị tốt mọi điều kiện đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ như: kiểm tra đầu mối, đập chính, phân công người túc trực tại đập tràn, thường xuyên vớt rác khơi thông dòng chảy khu vực cửa lấy nước, phát tờ rơi cho địa phương trước khi xả lũ.

Không chỉ với các nhà máy thủy điện trên dòng Sê San có công suất tương đối lớn như: Sê San 3, Sê San 3a, Sê San 4, Sê San 4a đã chủ động triển khai các phương án đã được phê duyệt về đảm bảo an toàn hồ đập. Theo ghi nhận của P.V, một số công trình thủy điện trên dòng suối Ia Grai vào thời điểm này cũng đã chủ động mọi phương án đảm bảo an toàn hồ đập sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Ông Trương Minh Vẹn-Giám đốc Nhà máy Thủy điện Ia Grai 3 cũng cho biết: Từ năm 2010 đơn vị đã xây dựng hoàn chỉnh phương án đảm bảo an toàn hồ đập và đã được ngành chủ quản là Bộ Công thương phê duyệt. Trước mùa mưa lũ, Ban Giám đốc Nhà máy tổ chức họp dân các làng trong khu vực phổ biến các phương án đảm bảo an toàn hồ đập như: cấm đánh bắt cá bằng thuốc nổ trong khu vực lòng hồ; cấm chặt phá rừng quanh lòng hồ; giữ vệ sinh môi trường lòng hồ, chân đập; cấm sản xuất trên nương rẫy trong mùa xả lũ…

Có thể nói, việc chủ động các phương án đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ ở một số công trình thủy điện trên địa bàn huyện Ia Grai là đáng ghi nhận. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, không phải địa phương nào ngoài huyện Ia Grai, các công trình thủy điện, thủy lợi, hồ chứa đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hồ đập. Trên thực tế, bài học đắt giá về tình trạng mưa lũ gây thiệt hại trong năm 2013 đều bắt nguồn từ việc xả lũ của thủy điện, gây thiệt hại hơn 75 tỷ đồng, làm chết và bị thương 6 người, 467 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, gần 5.000 ha cây trồng bị thiệt hại, chết hơn 1.000 con gia súc, gia cầm. Mặc dù các cấp chính quyền đã chủ động các biện pháp phòng-chống nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.

 

Ảnh: Gia Cư

Trước dự báo thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, mới đây tại Hội nghị triển khai công tác phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đề nghị các địa phương tập trung soát xét, điều chỉnh, bổ sung cụ thể các phương án phòng-chống lụt bão. Đối với những vùng trọng điểm về sạt lở đất phải có phương án di dời dân kịp thời, đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ. Đối với các chủ công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện phải đảm bảo phương án vận hành quy trình xả lũ đúng quy định. Cũng tại hội nghị này một số địa phương, sở ngành đã kiến nghị UBND tỉnh cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện, hồ chứa trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Gia Cư

Có thể bạn quan tâm