Thời sự - Bình luận

Đảm bảo quyền lợi người học từ đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các phụ huynh của Trường quốc tế AISVN tại TP.HCM khi đầu tư tiền tỉ cho con vào học chắc hẳn không thể ngờ có ngày con mình chưa biết sẽ tiếp tục học ở đâu, số học phí đã đóng một lượt có được hoàn trả?...

Những vấn đề của Trường quốc tế AISVN đã xuất hiện từ đầu năm học này, khi tháng 9.2023 nhiều phụ huynh tố cáo và đòi trường "trả nợ" hàng chục tỉ đồng thông qua hợp đồng vay vốn lãi suất 0% với điều kiện là con em của các phụ huynh này được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Trường sẽ trả lại số tiền vay khi học sinh (HS) kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, những điều khoản này đã không được trường thực thi với nhiều phụ huynh.

Vào thời điểm đó, các luật sư và chuyên gia giáo dục cũng phân tích và cho rằng việc tranh chấp này thuộc về vấn đề dân sự. Về phía phụ huynh, việc trao trước số tiền lớn cho trường bên cạnh những lợi ích cũng kèm theo rủi ro là nhà trường hoàn toàn có khả năng gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản.

Đến gần cuối năm học, vụ việc của Trường quốc tế AISVN không còn là vấn đề riêng lẻ với một số phụ huynh mà trở thành mối nguy với tất cả HS của trường, khi từ ngày 18.3, hơn 1.200 HS phải nghỉ học vì giáo viên không đến trường do bị nợ lương nhiều tháng. Vụ việc "nóng" đến mức không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ GD-ĐT mà ngày 29.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của trường, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập cho HS.

Một khi xem giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện kèm theo thì phải hiểu rằng những sự cố như Trường quốc tế AISVN sẽ không là cá biệt. Chính vì thế cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ được luật hóa để hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền lợi người học, đồng thời giúp hệ thống trường tư, quốc tế phát triển thuận lợi.

Trước hết cần phải xác định rằng hợp đồng vay vốn giữa nhà trường và phụ huynh bản chất là huy động vốn, mà để huy động vốn hợp pháp thì theo luật là phải phát hành trái phiếu. Chưa kể trường học không có chức năng đầu tư tài chính. Vì vậy, những hoạt động này cần phải được ngăn cấm. Sau vụ việc các trung tâm ngoại ngữ như Apax Leaders không hoàn tiền học phí cho phụ huynh, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định không cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học thu học phí dài hạn. Điều này cũng nên áp dụng với các trường tư.

Luật Giáo dục và Điều lệ trường phổ thông cũng cần có quy định về trường học phá sản. Nếu trường hợp này xảy ra thì cơ quan quản lý giáo dục cần đưa ra hướng dẫn để xử lý tình huống phát sinh, ổn định việc học cho HS.

Kết quả khảo sát có hơn 84% HS của Trường quốc tế AISVN muốn được tiếp tục học tại trường đến hết năm học này cho thấy các phụ huynh muốn có sự ổn định, nhất là khi họ đặt tất cả kỳ vọng, tiền của đầu tư cho việc học của con ở môi trường quốc tế.

Cần phải thừa nhận rằng hệ thống trường tư, trường có yếu tố quốc tế góp phần không nhỏ vào sự phát triển của giáo dục VN hiện tại, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống trường công, thực hiện được nhiều hoạt động mà hệ thống trường công khó đảm đương. Tuy nhiên, để hệ thống trường này phát triển bền vững, tránh kẽ hở để người khác trục lợi và để đảm bảo quyền lợi của người học, thì công cụ luật pháp cần phải rõ ràng.

Có thể bạn quan tâm