Đảm bảo sức khỏe cho nhân dân vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những thầy thuốc đang công tác tại Phòng khám Đa khoa khu vực Ia Lâu (còn gọi là Trạm Y tế trung tâm Ia Lâu, thuộc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) vẫn cần mẫn từng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân vùng biên giới.

Phòng khám Đa khoa khu vực Ia Lâu đứng chân trên địa bàn xã Ia Lâu (huyện Chư Prông), có nhiệm vụ thực hiện công tác dự phòng và khám-điều trị ban đầu cho người dân 4 xã vùng biên gồm: Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Ga và Ia Mơr. Đây là những xã đông dân, ở xa trung tâm huyện và còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, phòng khám còn thu dung và điều trị cho hàng ngàn lượt người dân từ các tỉnh khác đến các xã này thuê đất trồng cây nông nghiệp hoặc lên thăm người nhà. Phòng khám hiện có 11 cán bộ và nhân viên, trong đó có  2 bác sĩ, 1 y sĩ, 3 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 kỹ thuật viên siêu âm và 1 dược sĩ.

 

Bác sĩ Phòng khám Đa khoa khu vực Ia Lâu khám bệnh cho người dân. Ảnh: H.S

Bác sĩ Xa Trung Hiếu-Phó Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Ia Lâu cho biết, trung bình mỗi năm tại đây thu dung hơn 12 ngàn lượt bệnh nhân. Từ đầu năm đến nay, phòng khám đã khám, điều trị cho gần 9 ngàn lượt người, trong đó có gần 300 ca điều trị nội trú. Bệnh nhân đến điều trị ở phòng khám chủ yếu mắc các bệnh như: viêm đường hô hấp trên, sốt xuất huyết, suy nhược cơ thể, cao huyết áp. Hàng ngày, tại phòng khám có gần 100 lượt bệnh nhân tới khám-chữa bệnh. Bà Ma Thị Hiên (trú thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu) chia sẻ: “Từ sáng đến trưa nay thấy không khỏe nên tôi lên khám để xin thuốc uống. Ở trên này xa trung tâm huyện nên tôi thường xuyên lên phòng khám để được khám và phát hiện bệnh sớm; nếu bệnh nặng thì mới xin chuyển ra bệnh viện huyện”.

Bên cạnh việc khám, điều trị cho người dân khu vực biên giới, đội ngũ y tế tại Phòng khám Đa khoa khu vực Ia Lâu còn làm công tác dự phòng phòng-chống bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đợt dịch sốt xuất huyết (SXH) mới đây, Chư Prông là điểm nóng với hàng trăm lượt người mắc. Riêng tại xã Ia Lâu đã xảy ra nhiều ổ dịch khiến 70 người mắc SXH. Theo đó, đội ngũ y tế tại phòng khám đã tích cực tuyên truyền, vận động và cùng với người dân triển khai các biện pháp dập dịch, không để lây lan sang các xã khác. Đến nay, SXH đã được khống chế hoàn toàn tại xã Ia Lâu.

Đứng chân tại một trong những xã có điều kiện thời tiết, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất huyện Chư Prông, những thầy thuốc ở đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày. Khó khăn nhất vẫn là nước sạch. Các nguồn nước phục vụ sinh hoạt như giếng hay ao hồ tại xã Ia Lâu và các xã lân cận đều bị nhiễm vôi nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt đồ, tưới tiêu. Còn nước uống và nấu nướng phải mua nước sạch đóng bình từ nơi khác chở đến và chờ... nước mưa.

Được xây dựng từ năm 2003 gồm 2 dãy nhà, trải qua thời gian dài hoạt động, phòng khám có dấu hiệu xuống cấp. Trên tường xuất hiện nhiều vết nứt, sân xi măng đã bị bong tróc nhiều chỗ và hiện chưa có tường rào bao quanh, khiến cho công tác bảo đảm an ninh gặp nhiều khó khăn. “Mới đây, nhận thấy nhiều khoảng sân bị hỏng, anh em trong phòng khám cũng góp tiền sửa chữa và làm mới vài đoạn để đi lại dễ dàng, sạch sẽ hơn. Dù còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục để làm tốt nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong vùng”-bác sĩ Xa Trung Hiếu cho hay.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm