Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Đậm đà mắm quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điện thoại rung. Là tin nhắn của chị: “Hôm nay có mắm cua, em về ăn cơm nhé!” Lời mời mộc mạc cùng món mắm quê ngon lành như vậy làm sao mà từ chối được.

Bữa trưa có mấy món ăn dân dã cùng một nồi mắm cua kho lá gừng thơm lừng. Chị em tôi vừa ăn vừa ôn lại những kỷ niệm ấu thơ. Đây là món thường nhật trong bữa ăn của chị em tôi thuở nhỏ. Sau buổi học về, mấy chị em xách giỏ ra bờ ruộng bắt cua. Đám cua đồng béo tròn được rửa sạch, giã nhỏ, lọc kỹ, bỏ muối vào rồi nấu thành mắm cua tươi hoặc cũng có thể để chua, bỏ thêm chút lá gừng là thành một món ăn ngon, ăn kèm với rau luộc hoặc cho măng vào kho cùng.

Món ăn quê chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã nuôi những đứa con lớn lên, gắn kết tình cảm gia đình. Sau này lớn lên đi làm xa, không có thời gian để làm những món ăn thuở nhỏ, thỉnh thoảng lại thấy thèm, mà thèm nhất là cảnh cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm gần bếp lửa những ngày chớm lạnh.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Người Việt Nam nói chung và người miền Trung nói riêng, mắm là món ăn vô cùng quen thuộc và hầu như có mặt trong mỗi bữa ăn gia đình. Đây cũng là món quà tặng dân dã cho những người bà con ở xa về thăm, là món quà đem tặng người quen họ hàng trong nhiều dịp khác nhau. Việc làm mắm có thể xuất phát từ nhu cầu dự trữ thức ăn từ thời xưa khi chưa có phương tiện bảo quản.

Người vùng biển đánh bắt được nhiều hải sản đã nghĩ ra cách làm mắm để có thể giữ thực phẩm lâu dài, để dành cho lúc khan hiếm. Dần dà, việc ăn mắm đã trở thành một nét văn hóa, các loại mắm khác nhau tạo nên phong vị ẩm thực riêng biệt của mỗi vùng miền trên cả nước. Việc ăn mắm là phổ biến với người Việt Nam, nhưng có lẽ không nơi đâu các loại mắm lại đa dạng và người ta ăn mắm nhiều như các tỉnh vùng duyên hải miền Trung.

Người miền Trung làm mắm và ăn mắm nhiều có lẽ cũng xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống. Hầu như gia đình nào cũng cất giữ từ nước mắm đến mắm cá cơm, mắm cá nục, mắm mực, mắm ruốc, mắm tép. Những loại cá to như cá thu, cá bạc má cũng được đem làm mắm để tạo hương vị riêng cho bữa ăn. Theo thời gian, các món mắm được chế biến đa dạng theo nhiều cách khác nhau, kết hợp với các nguyên liệu khác như thịt, trứng và nhiều loại gia vị để tạo nên món ăn hấp dẫn như mắm ruốc chưng trứng, mắm ruốc kho thịt, mắm nêm chưng sả.

Sự mặn mòi của mắm gắn với một thời gian khó khi cả nhà cùng chia nhau chút mắm chút rau để ăn cho đủ bữa đã mang lại sự gắn kết cho những thành viên. Tôi còn nhớ, những đợt đi lao động tập trung, những lần cắm trại, bữa ăn chung của lớp tôi ngày trước không thể thiếu mắm. Những ngày ấy, cơm nhiều khi còn phải độn và các loại mắm là thức ăn chính. Chỉ có khi giỗ chạp, đám tiệc thì mới có các loại thức ăn tươi hơn, nhưng chén mắm ăn kèm trong mâm ăn vẫn không thể thiếu được. Cái mặn đậm đà của mắm làm tăng thêm hương vị của các món ăn.

Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, cuộc sống của mỗi gia đình giờ đã được cải thiện rất nhiều. Người ta đã có thể ăn những món ăn mình thích, có thể đạt được nhu cầu ăn ngon mặc đẹp ở một mức độ nào đó, nhưng những bữa ăn dân dã với những món mắm quê vẫn không thể thiếu.

Hiện nay, mắm quê đã được sản xuất quy mô lớn, vượt ra khỏi những gian bếp nhỏ bé nơi làng quê mộc mạc, bước chân vào cả những nhà hàng lớn và được chế biến cầu kỳ đẹp mắt, hấp dẫn thực khách. Với những bữa ăn gia đình, mắm cũng luôn hiện diện với đa dạng chủng loại và cách dùng khác nhau. Riêng tôi vẫn thích chén truyền thống với thật nhiều tỏi ớt, cay xè đến chảy nước mắt nhưng vị ngon đậm đà còn mãi. Nhắc đến lại thấy nhớ sao là nhớ, thương sao là thương!

Có thể bạn quan tâm