(GLO)- Việc Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất thu phí lưu hành xe ô tô, xe máy vừa qua đã khiến phần lớn người dân vừa lo lắng vừa bức xúc. Với phí lưu hành cố định dành cho ô tô từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi năm/chiếc (tùy theo dung tích xilanh); xe mô tô, xe máy cũng phải chịu một mức phí đáng kể từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc/năm; ngoài ra còn chịu phí ở các trạm thu phí hoặc phí vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm…
Doanh nghiệp nhấp nhổm
Với gần 200 xe taxi và gần 20 xe khách chạy đường dài, Taxi Mai Linh là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn đang hoạt động tại Gia Lai. Với số lượng xe lớn, số tiền phải đóng phí lưu hành rất cao, khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Taxi Mai Linh tại Gia Lai, bày tỏ: “Một chiếc xe được đưa vào lưu hành trên đường đã phải chịu biết bao thứ: VAT, trước bạ, làm cà-vẹc, BKS, tiền xăng, tiền bảo trì…, giờ còn thêm phí lưu hành.
Chi phí quá nhiều thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá taxi để cân đối thu-chi là điều đương nhiên. Tất nhiên lúc đó, gánh nặng người tiêu dùng phải chịu”. Ông Kham cho rằng, mức phí lưu hành của ô tô từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi năm là quá lớn, trong khi không phải xe lúc nào cũng chạy đều.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, ông Phan Văn Quý-Giám đốc Hãng Taxi Quý tỏ vẻ lo lắng: “Không biết phí lưu hành xe ô tô, xe máy này có triển khai đồng loạt trên tất cả nước hay không, nhưng đối với Gia Lai, nếu thu phí lưu hành để giảm nạn kẹt xe, giảm tai nạn giao thông thì không hợp lý lắm. Taxi Quý chúng tôi chỉ có trên dưới 10 chiếc taxi, thêm vài chiếc trên 15 chỗ để chạy dịch vụ, doanh thu có đáng là bao. Đó là chưa kể không phải lúc nào xe cũng hoạt động. Thậm chí có xe một tháng chạy 1-2 lần mà thu phí như thế thì… oan quá”. Ông Quý chặc lưỡi: “Nếu vấn đề phí lưu hành được áp dụng chắc phải… bán xe mất”. Ông Quý cho rằng, nên chăng việc tăng phí vào xăng để tạo sự công bằng, ai đi nhiều thì chịu nhiều, ai đi ít chịu ít; hoặc thu phí trực tiếp những xe đang lưu thông trên đường.
Cùng với những doanh nghiệp taxi, các đơn vị hoạt động nhỏ lẻ liên quan tới xe cộ cũng đang lo lắng.
Dân không yên
Không ít người dân khi được hỏi đều có chung quan điểm: Đường giao thông tại Gia Lai vẫn rất thông thoáng và hầu như chưa từng xảy ra tình trạng kẹt xe (hy hữu mới có do làm đường hoặc tai nạn giao thông). Bởi vậy, việc thu phí lưu hành xe ô tô, xe máy với mục đích giảm thiểu tình trạng kẹt xe là hoàn toàn vô lý. Còn với lý do giảm thiểu tai nạn giao thông thì cũng… chưa có lý khi tai nạn xảy ra thường do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông và do đường sá bị xuống cấp với ổ gà, ổ voi tràn lan.
Nếu với mục đích để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thì đã có biết bao loại phí khác như: Tiền vé qua các trạm thu phí, hay ngay như mua một chiếc xe cũng bị đánh thuế đến 200%... Tiền đó không để đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì để làm gì? Rõ ràng với loại phí này, gánh nặng hoàn toàn “đè” lên vai người dân.
Ông Lê Văn Tân, 64 tuổi, chạy xe ôm ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Trần Phú chán nản: “Tôi mới nghe phong thanh thôi nhưng thấy người ta bàn ghê quá. Cái xe này tôi mượn tiền mới mua được để chạy xe ôm vì sức khỏe không thể làm những việc nặng nhọc. Chạy xe ôm cũng ế lắm. Nhà ai cũng có xe máy. Nếu không có xe, người ta cũng thích đi taxi, thành ra ngày có khi tôi kiếm chưa được 50 ngàn đồng mà phải nộp từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/năm thì…”.
Rõ ràng, việc thu phí lưu hành xe đã vấp phải khá nhiều phản ứng của người dân. Đa số đều cho rằng nên đầu tư thật hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tăng thêm phương tiện giao thông công cộng chứ không nên “đánh” vào túi tiền của dân như vậy.
Hà Duy