Dân mỏi mòn chờ điện, nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có quyết định bàn giao đất gần 1 năm và rất mong muốn nhanh chóng xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống, bớt chi phí thuê nhà, song hơn 700 hộ dân được mua đất theo dự án đất ở cho người có thu nhập thấp (tổ 4-phường Thắng Lợi-TP. Pleiku) đành ngậm ngùi lui kế hoạch bởi ngoài hệ thống đường giao thông, các hạ tầng thiết yếu khác như: điện, nước… đều chưa có. Số gia đình vì quá bức thiết về nhà ở đã cố gắng xây nhà bất chấp phải kéo đường điện nhờ nhà dân cách xa hàng trăm mét; thiếu điện, nước đã khiến cuộc sống sinh hoạt của họ trở nên khó khăn, tốn kém.

Có đất, khó xây nhà
 

Ngôi nhà do ông Hạnh mới xây từ tháng 7 trong khu đất ở cho người thu nhập thấp.
Ảnh: Lê Hòa

Tuổi già, lại chẳng may gặp tai nạn giao thông và tai biến nên được cơ quan giải quyết nghỉ theo chế độ mất sức, gia cảnh hết sức khó khăn với 5 miệng ăn nhưng phần lớn đều chẳng có công ăn việc làm ổn định, nhờ suất quân nhân của người con trai nên vợ chồng ông Huỳnh Thế Hạnh (58 tuổi) mới có được miếng đất ở vị trí lô 108, khu C tại khu đất ở cho người thu nhập thấp. Không cam nổi chi phí nếu đi thuê mướn nhà, tháng 7 vừa qua, vợ chồng ông lo vay mượn, gom góp cố gắng xây một căn nhà nhỏ, bớt tiền ở thuê. “Nhà tui nghèo quá nên ráng làm kiếm nơi ở, chớ không điện, không nước lại hoang vu vầy, mấy ai dám ở”-ông Hạnh, nói.

Chưa có điện, nước nên để xây nhà, ông phải đến xin nhờ người dân cách đó vài trăm mét cho kéo điện qua đồng hồ nhà họ. “Họ tính giá 2.500 đồng/kWh. Mà nào có đơn giản, họ ưng lên thì cắt, dây điện căng ra đó, cũng có người ưng lên lại phá, thành thử mất điện liên tục”-ông Hạnh, bộc bạch nỗi khổ. Còn nước, ban đầu thợ phải lấy can nhựa, chạy xe xuống suối gần đó chở về, sau thấy cực quá và nghĩ trước sau gì cũng phải đào, ông đành bỏ tiền đào giếng nước. “Đào được khoảng chục mét đã gặp đá rồi, có nước đấy nhưng cạn lắm, mùa khô chắc chắn không có nước nữa đâu”-ông Hạnh, nói thêm.

Cách đó chừng vài chục mét, một ngôi nhà vừa mới được xây dựng khá giản đơn nhưng suốt ngày im ỉm khóa vì chưa chuyển tới ở. “Nhiều người ra thăm đất cứ đi quanh, ngó trước trông sau, nói muốn xây nhà lắm nhưng không có điện nước nên lại ngại. Không điện con cái lấy gì thắp sáng học hành, gia đình lấy gì sinh hoạt? Họ cũng đang phải đi mướn nhà cả đấy”-ông Hạnh, kể thêm.

Còn anh Nguyễn Viết Thái (bộ đội công tác tại Đồn Biên phòng 729-Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh), hiện đang tiến hành xây nhà tại lô 13, khu A của dự án, than thở: “Tôi phải xin kéo nhờ điện tiếp từ nhà bác Hạnh, không thì chẳng biết lấy đâu ra điện mà làm nhà. Nước thì tự đào giếng”. Hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, đơn vị công tác xa, vợ không có công việc ổn định, con nhỏ lại chịu cảnh thuê nhà mỗi tháng hết gần triệu bạc nên anh chị cố gắng vay mượn xây nhà trên đất mua theo dự án thu nhập thấp để giảm bớt chi phí. “Thấy xung quanh chưa có người ở nên cũng ngại lắm, mình lại thường xuyên đi công tác xa nhà. Mọi người xung quanh đều muốn xây nhà vì chỉ còn ít tháng nữa là hết hạn buộc phải làm nhà rồi, chỉ mong sao có điện, nước cho nhanh để mọi người cùng xuống ở cho đông đúc, bớt lo lắng khi mình đi làm nhiệm vụ để vợ con ở nhà”-anh Thái, chia sẻ.

Bao giờ khu thu nhập thấp có điện, nước?

 

Ngoài vài ba ngôi nhà đã và đang được xây nên, đa số đất còn lại đều để trống dù hầu hết đều muốn xây song ngại vì chưa có hệ thống điện, nước. Ảnh: Lê Hòa

Nhằm giải tỏa khó khăn và áp lực về nhu cầu nhà ở, từ năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch khu đất rộng 17,8 ha, phân thành 733 lô tại phường Thắng Lợi-TP. Pleiku để phân lô, bán với giá rẻ cho đối tượng là cán bộ, công chức, quân nhân đang công tác tại các cơ quan, đơn vị và người có thu nhập thấp chưa có đất, nhà ở trên địa bàn TP. Pleiku. Thế nhưng, đến nay, người thu nhập thấp mua được đất giá rẻ chưa hết mừng đã ngay ngáy lo, bởi làm nhà thì không biết sẽ ăn ở, sinh hoạt ra sao trong tình cảnh chưa có điện, nước. Trong khi đó, theo quy định, những người được mua đất sẽ phải xây dựng nhà ở trong vòng 18 tháng kể từ khi được nhận đất (tháng 3-2014), nếu sau 18 tháng mà chưa xây dựng nhà, sẽ bị thành phố thu hồi lại đất.
 

Theo Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, khu đất rộng 17,8 ha trên địa bàn phường Thắng Lợi, TP. Pleiku được quy hoạch, phân thành 733 lô với diện tích mỗi lô là 6 mét x 25 mét. Mức giá bán cho các cán bộ, công chức, viên chức và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh là 42 triệu đồng/lô. Người được mua đất chỉ phải trả trước 20% (khoảng 9 triệu đồng), số tiền còn lại được trả trong vòng 5 năm sau đó…

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trên, ông Nguyễn Bá Trường-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, cho biết: Theo thông tin nắm được thì, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Điện lực Gia Lai kéo điện vào khu vực trên, dự kiến sẽ tiến hành vào năm 2015. Còn về nước sinh hoạt, do khu đất nằm trên cao, cách xa khu dân cư nên không đủ áp lực để đẩy nước lên. Phải đến quý II - 2015, dự án của Công ty Cấp nước Sài Gòn - Pleiku (đã triển khai) mở rộng hệ thống cấp nước về phía Đông thành phố với công suất 30.000 m3/ngày đêm, mạng lưới đường ống sẽ đi qua khu vực này, tới lúc đó mới có thể đấu nối đường ống tải ra khu đất trên được.

“Vì đây là dự án thí điểm nên quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bởi vậy chúng tôi cũng đang tham mưu cho cấp trên cũng như các sở, ban, ngành liên quan cùng rút kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp cũng như hoàn thiện dần”-ông Nguyễn Bá Trường, nhấn mạnh thêm.

…Chủ trương bán đất giá rẻ cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn có đất, để làm nhà ở là một việc làm mang đậm tính nhân văn và được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, để chương trình trở nên hiệu quả và thiết thực hơn nữa, các ban ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết sớm hơn vấn đề về điện, nước sinh hoạt tại đây để người dân yên tâm xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Đó cũng là mong muốn của tất cả những người dân đã được tạo điều kiện sở hữu đất theo dự án này.

    Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm