Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 17-12, tính đến 0 giờ ngày 1-4-2014, dân số Việt Nam đạt 90.493.352 người, gồm 44.618.668 nam (chiếm 49,3%) và 45.874.684 nữ (50,7%).
Như vậy, trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4,6 triệu người, bình quân mỗi năm tăng hơn 900.000 người, tỷ lệ sinh của Việt Nam tiếp tục giảm và ổn định dưới mức sinh. Mật độ dân số của Việt Nam là 273 người/km², đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Singapore và Philippines; đứng thứ 16 châu Á.
Ba địa phương có số dân trên 3 triệu người là TP. Hồ Chí Minh (7,9 triệu người), Hà Nội (7,06) triệu người và Thanh Hóa (3,4 triệu người).
Cũng tính đến thời điểm 1-4-2014, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2; trong đó tuổi thọ trung bình nam giới là 70,6 và của nữ giới là 75,6. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số và chỉ số già hóa là 44,6%. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này cao hơn so với năm 2009 (110 bé trai/100 bé gái). Đáng lưu ý là tỷ số giới tính nam/nữ khi sinh ra ở nông thôn cao hơn đáng kể so với ở thành thị.
Về nhà ở, kết quả thống kê cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 20,6 m², tăng 3,9 m²/người so với năm 2009, trong đó thành thị là 23 m²/người, nông thôn là 19,5 m²/người. Đồng bằng sông Hồng là nơi có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao nhất với 22,4 m² và thấp nhất là Tây Nguyên với 18,3 m².
Điều kiện sinh hoạt của người dân đang được cải thiện với 46,6% hộ sinh sống trong nhà kiên cố, 43% sống trong nhà bán kiên cố, 3,7% hộ có nhà đơn sơ… Số liệu này cho thấy tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiến cố tăng lên 6,1% và nhóm nhà ở đơn sơ giảm 4% so với năm 2009.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại cố định và di động tính đến năm 2014 đạt 85%, tỷ lệ này tăng nhanh trong 5 năm qua.
Theo sggp