Thời sự - Bình luận

Đằng sau số thuế của các 'ông lớn' công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Số thu được từ các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook... tăng vọt, liên tục trong 5 năm trở lại đây cho thấy công tác quản lý thuế phần nào đã có hiệu quả.

Thế nhưng, đằng sau số thuế thu được của các ông lớn công nghệ này, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Theo Bộ Tài chính, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại VN khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỉ đồng. Đáng nói, số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 130%. Đặc biệt tăng cao từ năm 2021, với khoảng 1.591 tỉ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như Facebook là 2.099 tỉ đồng; Google 2.114,6 tỉ đồng; Microsoft 714 tỉ đồng… Dù vậy cũng phải nói thẳng là con số này chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở VN.

Theo thống kê, thị trường thương mại điện tử tại VN rất tiềm năng với doanh thu đạt 14 tỉ USD trong năm 2021, mức tăng trưởng trung bình 16%/năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử của VN sẽ đạt khoảng 52 tỉ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Với vị trí thống lĩnh, các ông lớn công nghệ chiếm phần lớn miếng bánh béo bở này tại thị trường nội địa. Thế nhưng số thu “tăng trưởng nhanh, liên tục” nói trên mới chỉ là thuế nhà thầu khấu trừ, còn bản thân họ không trực tiếp nộp thuế. Chưa kể các giao dịch riêng lẻ trên Facebook hoặc trên Zalo thanh toán bằng tiền mặt... thì ngành thuế cũng bó tay. Chỉ nhìn ở phần nổi, phần thất thu của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với phần thu được.

Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới của các “ông lớn” nói trên không đơn giản. Ngay các nước G20 cũng đau đầu trước nhiều phương thức luồn lách tinh vi để né những khoản thuế khổng lồ của Google và Facebook, hai công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới. Họ cũng phải bắt tay nhau, xây dựng bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn tình trạng né thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế” để giảm nghĩa vụ tài chính của các công ty công nghệ. Các nước khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang đẩy mạnh siết chặt quy định về thuế đối với các “ông lớn” về công nghệ, đặc biệt là Facebook, Google, Netflix. Và VN cũng không ngoại lệ. Dẫn lại để thấy, khó là chắc chắn nhưng không phải là không thể. Quản lý thuế của “ông lớn” công nghệ, không có cách nào khác ngoài việc áp dụng các phần mềm công nghệ cao nhất. Vấn đề này cũng đã nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng, ngành thuế cũng không xa lạ gì. Quan trọng hơn, phải quyết liệt thực hiện bởi thuế không chỉ là nguồn thu cho ngân sách. Thất thu thuế còn tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng mà thiệt thòi thuộc về các công ty nội địa cùng lĩnh vực.

Thế nên chúng ta không thể cứ mãi cố gắng mà phải quyết liệt. Bởi đằng sau số thu thuế còn là cả một ngành dịch vụ quảng cáo trực tuyến nội địa tiềm năng nhưng non trẻ cần có cơ hội để phát triển.

Theo Niên An (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm