Thời sự - Sự kiện

Đảng ủy Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh làm việc với Thường trực Huyện ủy Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 26-10, Đảng ủy Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) về kết quả phối hợp triển khai một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Sau khi chương trình phối hợp giữa Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện với Đảng ủy Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh được ký kết, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp. Theo đó, năm 2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện và phối hợp với Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh và mô hình nuôi cá rô phi Na Uy.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đảng ủy Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với Thường trực Huyện ủy Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đảng ủy Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với Thường trực Huyện ủy Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Kết quả, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thâm canh trong ao được triển khai trên diện tích 9.000 m2 với 4 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 441,9 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 315 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 126 triệu đồng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ tôm giống, thức ăn công nghiệp, vật tư, hóa chất, tập huấn chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức tổng kết đánh giá, tuyên truyền nhân rộng mô hình. Sau hơn 6 tháng nuôi trồng, hiệu quả kinh tế trên 1.000 m2 mặt nước là 31,1 triệu đồng, cao gấp 2,5 lần so với nuôi các loại thủy sản truyền thống như chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ.

Mô hình nuôi cá rô phi Na Uy thương phẩm được triển khai trên diện tích 3.500 m2 với 3 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 547,4 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 385 triệu đồng. Hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên, cá sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ sống trung bình của cá giống đạt trên 80%. Sau 2 tháng nuôi, trọng lượng cá trung bình 350 gam/con, chiều dài 21-22 cm. Dự kiến tháng 2-2024 sẽ thu hoạch.

Ngoài ra, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Thiện.

Đoàn tới tham quan mô hình nuôi cá rô phi Na Uy tại xã Ayun Hạ. Ảnh: Vũ Chi
Đoàn tới tham quan mô hình nuôi cá rô phi Na Uy tại xã Ayun Hạ. Ảnh: Vũ Chi

Sau khi đi tham quan thực tế tại 2 mô hình nuôi tôm càng xanh và cá rô phi Na Uy, 2 đơn vị đã cùng thảo luận, đánh giá về kết quả phối hợp trong thời gian qua và đề xuất một số chương trình phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, huyện Phú Thiện mong muốn Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ huyện trong công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến cây lúa, mì, khoai lang; chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp huyện triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Huyện cũng mong muốn nhà trường kết nối với các công ty, doanh nghiệp về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Sau buổi làm việc, 2 bên thống nhất sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác vào quý 1 năm 2024 nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Dự kiến, năm 2024, 2 đơn vị sẽ phối hợp, chuyển giao kỹ thuật triển khai thực hiện một số mô hình như chăn nuôi hươu sao, chăn nuôi cá trắm đen thương phẩm, trồng sâm bố chính thương phẩm, trồng bưởi da xanh năng suất chất lượng cao; nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh và cá rô phi Na Uy thương phẩm. Đồng thời, 2 đơn vị tiếp tục phối hợp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.

Có thể bạn quan tâm