Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 vừa có kết quả đã rộ lên chuyện lùm xùm.
Một số trang báo đưa tin chủ của 2 giống gạo ST25 và ST24 (ST24 đoạt giải nhì gạo ngon năm nay) đề nghị Ban Tổ chức hoãn công bố kết quả chính thức và điều tra lại (!).
Đại diện chủ trì cuộc thi - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết chưa nhận được văn bản khiếu nại từ phía chủ sở hữu gạo ST24, ST25 song nếu có thì cũng sẽ tiến hành làm rõ, bảo đảm công bằng, minh bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghi vấn lý do khiếu nại xoay quanh dấu hiệu tranh chấp về giống. Trong khi đó, đại diện Thái Bình Seed - doanh nghiệp (DN) có giống gạo TBR39 đoạt giải cao nhất cuộc thi này - tuyên bố: "Chúng tôi làm thật nên không sợ!".
"Làm thật" ở đây hẳn là mua giống từ năm 2019 và trồng khảo nghiệm 3 năm qua ở các vùng canh tác lúa tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang…, thành phẩm đã ra thị trường (như tại miền Bắc, giá bán 38.000 đồng/kg) với sản lượng rất ít, chất lượng được đánh giá tốt mà kết quả ban đầu của cuộc thi kể trên tạm thời là sự bảo chứng. Hiện gạo TBR39 đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành.
Cũng tại cuộc thi nói trên, gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời đoạt giải 3. Đáng chú ý, không chỉ ST24 khiêm tốn hạng nhì mà ST25 - từng đoạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - cũng đã "văng" khỏi tốp 3! Phải chăng kết quả khá bất ngờ này không làm hài lòng chủ DN sở hữu 2 giống gạo đã làm mưa làm gió phân khúc thị trường gạo cao cấp tại Việt Nam mấy năm qua, nên bây giờ trở thành nguồn cơn của kiện tụng?
Xét dưới góc độ kinh doanh, không DN nào muốn có nhiều đối thủ hoặc sản phẩm của đối thủ vượt mặt sản phẩm của mình. Gạo cao cấp, tất nhiên, là sản phẩm có tính cạnh tranh cao, không chỉ trong nước và quốc tế. Do vậy, kết quả của các cuộc thi gạo ngon tác động sâu sắc tới vị thế của thương hiệu gạo trên thương trường. Bằng chứng, ST24 rõ ràng là bật lên từ năm 2017 khi lọt vào tốp 3 gạo ngon nhất thế giới; 2 năm sau đó, đến lượt ST25 đăng quang và suốt 5 năm qua, 2 loại gạo này của DNTN Hồ Quang Trí giữ vị thế thống lĩnh. Ngoại trừ một khoảng thời gian bị thị phi vì làm giả làm nhái, ST24 và ST25 cơ bản đã đi qua những trở ngại và thành công ở nhiều thị trường, được bảo hộ nhãn hiệu tại Úc, vào bữa cơm Văn phòng Nội các Nhật Bản…
Nhưng dưới lăng kính người tiêu dùng, có càng nhiều thương hiệu gạo ngon "Made in Vietnam" càng tốt. Có cạnh tranh sòng phẳng thì chất lượng được bảo đảm hơn, khách hàng được chăm sóc tốt hơn, có nhiều lựa chọn hơn và giá bán hợp lý hơn. Càng nhiều thương hiệu gạo cao cấp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ gạo thế giới thì nông dân trồng lúa càng có thêm lợi tức, các công ty tham gia chuỗi sản xuất cũng vậy và ngoại tệ từ xuất khẩu gạo "chảy" về nước ta nhiều hơn.
Thế nên, hãy vì lợi ích toàn cục, hãy nắm tay nhau để cùng phát triển, DN lớn nâng đỡ DN nhỏ, thương hiệu có bề dày kinh nghiệm hỗ trợ thương hiệu mới. Làm như vậy, chúng ta mới có những hội, hiệp hội ngành hàng mạnh, đoàn kết thật sự, để cùng ra biển lớn. Ở tất cả các lĩnh vực, thương hiệu quốc tế - nay chúng ta đã dám nói "có" hay chưa? Còn riêng mảng lúa gạo, dù "ngon nhất" hay "ngon nhì" thế giới nhưng thực chất vẫn chưa thể qua mặt gạo Thái Lan về uy tín quốc tế lẫn độ ngọt - dẻo - thơm của một số nhãn hiệu cao cấp, nên nếu không hiệp sức lại sẽ sớm tự suy yếu.
Suy rộng ra ở khắp các lĩnh vực khác, sản phẩm khác cũng thế, "nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Nói cho cùng, làm kinh tế ngoài mục đích lợi nhuận còn phải phụng sự xã hội và vì sự tự cường của dân tộc - mà theo danh nhân Lương Văn Can, ấy mới gọi là "đạo kinh doanh"!
Theo A.Q (NLĐO)