Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe: Giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Những năm gần đây nổi lên tình trạng thanh-thiếu niên chưa có giấy phép lái xe (GPLX) nhưng vẫn điều khiển mô tô gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Tình trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng, gia đình và xã hội cần có sự vào cuộc quyết liệt, tìm ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Một trong những giải pháp quan trọng và bền vững là đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX”-ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai-cho biết.

Không có GPLX vẫn điều khiển mô tô

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 1-2 (tức mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022), anh Trần Bình Trọng (SN 1996, trú tại thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) điều khiển xe mô tô BKS 81B3-131.87 lưu thông trên tỉnh lộ 665 hướng từ xã Ia Tôr đi xã Ia Pia. Đến đoạn qua làng Nớt (xã Ia Me, huyện Chư Prông), xe mô tô của anh Trọng đã va chạm với xe mô tô BKS 81B3-171.83 do em Rơ Lan Thương (SN 2005) điều khiển, chở phía sau em Rơ Mah Soan (SN 2006, cùng trú tại làng Siu, xã Ia Me) lưu thông theo chiều ngược lại. Hậu quả, anh Trọng và Thương tử vong tại chỗ; Soan bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện.

Thí sinh dự sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai). Ảnh: Lê Hòa


Anh Siu Nhem-bố của nạn nhân Soan-cho biết: Vợ chồng anh có 3 người con, Soan là con thứ hai. Soan thích chiếc xe mô tô SUZUKI Raider 150 phân khối nên cứ đòi bố mẹ mua cho được. Thấy con thích quá nên vợ chồng anh Nhem dành dụm, chắt bóp mua xe cho con. “Mình cứ nghĩ đơn giản là xe máy bây giờ thanh niên trong làng hầu như đứa nào cũng có và là phương tiện cần thiết để đi lại. Con mình thích thì cố gắng mua cho nó vui, để nó có động lực làm ăn, phụ giúp cha mẹ. Đâu nghĩ một ngày lại xảy ra chuyện đau lòng này”-anh Nhem ân hận. Anh Nhem cũng cho biết, cả Soan và Thương đều chưa có GPLX. Anh Nhem phân trần: “Mình biết đi xe phân khối lớn thì phải có GPLX nhưng cả 2 đứa nó đều chưa đủ 18 tuổi để thi lấy GPLX mô tô hạng A1 nên chưa đi học”.

Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 4.049 trường hợp người điều khiển mô tô không có GPLX. Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-thông tin: Qua thống kê các năm gần đây cho thấy, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45% tổng số vụ TNGT trên địa bàn. Phần lớn các vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số khi điều khiển mô tô và xe máy kéo nhỏ tham gia giao thông. “Đáng chú ý, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng cao trong số các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người gây tai nạn không có GPLX và có sử dụng rượu, bia trước đó. Chính vì không có kiến thức và kỹ năng lái xe, việc xử lý tình huống giao thông chủ yếu dựa theo cảm tính nên mức độ tai nạn càng trở nên nghiêm trọng”-ông Hiếu chia sẻ.

Lớp học lái xe miễn phí vẫn… vắng học viên

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có 969.449 phương tiện đăng ký lưu hành, trong đó có 55.209 xe ô tô, 911.497 xe mô tô, 2.743 xe máy điện. Tuy nhiên, đối chiếu với dữ liệu do Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đang quản lý cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa số phương tiện đăng ký và số GPLX. Cụ thể, Sở GT-VT hiện chỉ quản lý 624.184 GPLX các hạng gồm: 103.319 GPLX ô tô, 520.660 GPLX hạng A1 và 205 GPLX hạng A4. Sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng xe mô tô đăng ký và số GPLX hạng A1 phần nào cho thấy, nhiều trường hợp chưa có GPLX nhưng đang sở hữu xe mô tô. Đây là thực tế có thể dễ kiểm chứng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Thí sinh người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp thực hiện phần thi lý thuyết sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1. Ảnh: Lê Hòa


Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo lái xe và 12 trung tâm sát hạch lái xe với đội ngũ giáo viên lên đến hơn 400 người. Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT) cho hay: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và năng lực của các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh. “Trước thực trạng TNGT liên quan đến thanh niên người dân tộc thiểu số chưa có GPLX, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyên đề về thực hiện cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1, xe máy kéo nhỏ hạng A4 (từ tháng 3 đến tháng 6-2021). Thực hiện kế hoạch này, một số đơn vị đào tạo đưa ra nhiều ưu đãi nhưng vẫn thưa vắng học viên tham gia”-ông Kiên thông tin thêm.

Minh chứng cụ thể là trường hợp của Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Vận tải Gia Lai). Ông Lê Quang Dưỡng-Trưởng phòng Giáo vụ-Đào tạo (Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe) chia sẻ: “Về đào tạo cấp GPLX hạng A1, đối với học viên ở vùng sâu, vùng xa, Trung tâm luôn có chính sách giảm học phí. Tuy nhiên, việc tuyển sinh trong thời gian vừa qua vẫn còn gặp khó khăn khi lượng học viên đăng ký thấp. Điển hình như khi chúng tôi về làm việc với chính quyền xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) đề xuất tuyển sinh, đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A4. Trung tâm miễn phí toàn bộ học phí nhưng sau đó chỉ có hơn 10 người đăng ký học, đến lúc làm hồ sơ, thủ tục để mở lớp lại không có học viên”.

Lớp học lý thuyết tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19. Ảnh: Lê Hòa


Cần sự hợp lực từ nhiều phía

Ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở GT-VT-thông tin: Năm 2022, Sở sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Trong đó, đối tượng hướng đến là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. “Đây là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm hướng đến kéo giảm TNGT và xây dựng văn hóa giao thông”-ông Sơn khẳng định.


Phó Giám đốc Sở GT-VT cũng chia sẻ những khó khăn mang tính đặc thù của tỉnh trong công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Theo đó, ở khu vực đô thị, nhận thức của người dân về việc học GPLX cơ bản rất tốt. Thanh niên đủ điều kiện học GPLX được cha mẹ nhắc nhở đi học và chủ động sắp xếp thời gian để học. Tuy nhiên, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều người suy nghĩ “chỉ quanh quẩn trong làng, không đi đâu xa thì học để làm gì?”. Từ việc nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn như thế, nhiều người đã không chủ động đi học và dự sát hạch để được cấp GPLX theo quy định. “Thực tế, bên cạnh một bộ phận đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học lái xe là để có kiến thức, kỹ năng tham giao giao thông và bảo vệ sự an toàn cho chính mình thì vẫn còn không ít người suy nghĩ học lấy GPLX để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng”-ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận.

Đào tạo lái xe ô tô tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Vận tải-Xây dựng Gia Lai). Ảnh: Lê Hòa


Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT, muốn người dân thực sự có động lực để đi học lái xe, bên cạnh việc tự nhận thức và sự nhắc nhở, đốc thúc từ người thân thì nhất thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía lực lượng chức năng trong việc kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không có GPLX nhưng vẫn điều khiển mô tô tham gia giao thông. “Khi hạn chế được phần nào nhóm đối tượng không trải qua các lớp học kỹ năng điều khiển xe, không nắm được quy định, quy tắc tham gia giao thông đường bộ thì tôi tin tình trạng TNGT sẽ được kiềm chế hiệu quả. Hay nói cách khác, càng có nhiều người học lái xe một cách bài bản thì càng giảm được nguy cơ xảy ra TNGT do lỗi thiếu kiến thức, kỹ năng”-ông Sơn nhìn nhận.

Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT): “Tuy số lượng GPLX hạng A1 đã cấp trong năm 2021 giảm 37,41% so với năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng số GPLX cấp cho người dân tộc thiểu số lại tăng 14,15%. Đây là nỗ lực không nhỏ của các đơn vị đào tạo trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đào tạo học viên vùng sâu, vùng xa, nhất là người dân tộc thiểu số”.

 LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm