Một hình ảnh chẳng mấy vui vẻ diễn ra trong những ngày cuối năm ở những chợ hoa Tết trung tâm Sài Gòn. Những tiểu thương bán hoa đã đập bỏ những chậu hoa cảnh rực rỡ mà trước đó được treo giá cả triệu đồng chứ nhất quyết không chịu bán rẻ hay bỏ lại vì nhiều người sẽ “chờ sẵn” nhặt miễn phí về chơi Tết.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Câu chuyện này đã bắt đầu xảy ra từ Tết năm Kỷ Hợi, nhưng năm nay do lượng khách ít, nhu cầu mua hoa cũng giảm trông thấy, lượng hoa ế ẩm tăng nhiều hơn và tình trạng đập bỏ hoa cũng diễn ra phổ biến hơn trước.
Mấy ai yêu cái đẹp không chạnh lòng khi thấy hình ảnh những người đàn ông cởi trần vung gậy đập không thương tiếc vào những chậu hoa đang kỳ rực rỡ khoe sắc.
Nhưng như thế không có nghĩa người đàn ông ở trần ấy và cả những đồng nghiệp khác của anh ra lại không đau lòng, nếu không nói, hơn ai hết chính họ mới là những người đau lòng hơn cả.
Bất chấp ứng dụng của khoa học kỹ thuật của thời đại công nghệ, nghề nông vẫn là những người vất vả nhọc nhằn. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, để trồng được một chậu hoa, họ cũng phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức từ khâu ươm giống, tạo dáng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và nhất là canh cho hoa nở đúng dịp Tết trong khi thời tiết với sự tác động của biến đổi khí hậu, ngày một thất thường hơn.
Ngoài những đối phó với thời thiết địch họa, họ còn phải... trông trộm. Chuyện những người chăm hoa, chăm cây cảnh phải làm lều tạm ngay tại ruộng vừa chăm sóc vừa trông giữ trong những ngày giáp Tết không phải là chuyện xa lạ. Lơ là một chút họ có thể mất trộm và nhất là bị một “đồng nghiệp” nào đó triệt hạ cả vườn hoa là chuyện cũng đã từng xảy ra trong thực tế.
Giáp Tết họ lại một lần nữa cùng với những “đứa con tinh thần của mình” lưu lạc lên chốn đô hội, lại một lần nữa dựng lều tạm, trùm áo mưa bám trụ cả tuần giáp Tết để bán đi những sản phẩm mà mình dày công chăm bón săn sóc.
Nhưng cho dẫu thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng kỳ thì họ cũng vẫn còn phụ thuộc vào thời giá và thị trường. Với người mua, chuyện mặc cả lên xuống nói cho cùng cũng chỉ là một món tiền thêm bớt nhưng với người trông hoa, đó là chuyện thành bại của cả một mùa vụ đằng đẵng. Ở mức độ nào đó việc mua chậu hoa còn là sự sẻ chia với những nhọc nhằn vất vả của những người nông dân đang làm đẹp cho đời.
Và điều đáng buồn là trong những năm gần đây có một số người có nhu cầu nhưng lại không muốn mở hầu bao. Với “lợi thế” ở nơi đô thị, họ chỉ việc chờ đợi cho đến cuối buổi chợ hoa cuối cùng, người bán hoa không bán hết cũng đành bỏ hoa lại, vì không thể tốn thêm tiền chuyên chở mang về, họ chỉ việc ra nhặt hoa miễn phí đem về dùng. Từ câu chuyện một vài người nhặt hoa sau phiên chợ một cách vô tình, đã hình thành cả một “phân khúc khách hàng” muốn có hoa một cách miễn phí.
Trong “cuộc chiến” giữa những người bán hoa và những khách hàng này, đương nhiên bất lợi thuộc về những người nông dân bởi phía sau họ là cả một chuyến về quê để tất tả thu xếp cho một cái Tết của chính gia đình mình. Và lúc này thời gian chính là kẻ thù của những người bán hoa đồng thời lại là đồng minh của những “khách hàng” đi chợ hoa 0 đồng.
Có lẽ vì thế mà mới có chuyện những tiểu thương vào giờ chót sẽ vung tay không thương tiếc tàn phá chính những chậu hoa mà họ đã hàng tháng trời dày công chăm chút. Hành động có phần tiêu cực đó dường như là cách “tự vệ” cuối cùng để thành quả lao động của họ không rơi vào tay những người cơ hội và phần nào ngăn chặn cả một “trào lưu” chờ nhặt hoa miễn phí cuối ngày thay vì bỏ tiền trả cho công sức của những người trồng hoa.
Trong cái cách “phá hoại” của chính người trồng hoa, phần nào có thể cảm nhận được cả sự phẫn nộ, cay đắng, tủi nhục trước cách hành xử có phần vô cảm nhưng cũng đầy toan tính của những người chờ nhặt hoa.
Hoa – một trong những hiện thân và biểu tượng của cái đẹp theo nghĩa đen trong thiên nhiên cũng như trong chính cuộc sống của con người. Người trồng hoa – người tạo nên cái đẹp và những người chơi hoa cũng có thể coi là những người yêu chuộng cái đẹp. Nhưng trong câu chuyện này hai bên đã không thể tìm được tiếng nói chung và ít nhiều câu chuyện của họ khó có thể gọi là một câu chuyện đẹp.
Và dẫu những người bán hoa có lý do để giải thích cho hành động của mình nhưng bên cạnh đó cũng có một câu hỏi đặt ra: lẽ nào những người nghèo, những người thu nhập thấp không có quyền được thưởng thức cái đẹp... Có lẽ, mỗi người chúng ta đều nên nghĩ suy dù chỉ một chút về vấn đề này, để cuộc đời mỗi ngày thêm phần đẹp hơn và bớt đi những chuyện buồn, dẫu biết rằng thật khó tránh khỏi những quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, của kinh tế thị trường.
Quang Lê (Chinhphu.vn)