Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đất bồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bãi cát bồi hình ngài hổ ngồi ngoài biển mỗi ngày một lớn. Từng lớp sóng cát nâu vàng điểm nốt đen tựa bức tranh sơn mài trên nền nước thẳm xanh, bộ lông hổ oai nghi. Xa gần đồn đại đất tụ hổ quần rồng địa linh nhân kiệt sinh quan phát tướng, hiện tượng lạ kỳ ngàn năm có một.  

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ


Khách thập phương hiếu kỳ đón ghe thuyền xem tranh hổ ngược xuôi, khách đổ về du xuân thưởng ngoạn, phố nhỏ nhộn nhịp hơn hẳn mọi khi. Anh ngồi quán nước bên gốc bàng xù xì, tán bàng đỏ rực một khoảnh trời dần nhường phần cho các chồi non đang nhú. Mái ngói âm dương sóng lượn nhấp nhô phủ đầy rêu xanh mướt, những con hẻm nhỏ tường rêu ẩm ướt xám buốt mưa xuân từng cơn.

Những chiếc bình trà bày biện bắt mắt gian hàng sành sứ bên cạnh. Cụ chủ tóc bạc phơ chòm râu trắng cước nhặt lá bàng đậu trên sạp hàng xếp thành xấp. Trông cụ như người chỉ coi giùm cho con cháu trong chốc lát chứ không phải người đứng bán hàng chính. Ấm chén người ta đã mua sắm từ trước tết cả rồi, thành thử gian hàng như chỉ trưng bày cho khách ngắm đã là niềm vui của chủ.

Thấy anh nhìn say sưa, cụ mỉm cười mời thay cho lời chào bắt chuyện của người hiếu khách:

- Ghé qua coi ấm tích đi cháu!

- Dạ! Loại nào tốt cháu sẽ mua một chiếc?

Cụ búng đầu ngón tay vào vài chiếc ấm, tiếng kêu thanh và trong lựng. Nước men sáng và bóng, nét cọ trên bình mảnh thanh thoát. Anh không sành về gốm sứ, mua một chiếc về dùng đời ta ba mươi đời nó, chủ yếu được trò chuyện hỏi han bậc cao niên, được nghe chất giọng bản xứ lạ mộc mạc đến ngồ ngộ. Là khách du lịch như anh còn gì vui bằng khi đến nơi nào đó được trò chuyện, hiểu thêm văn hóa của vùng đất ấy.

- Bao nhiêu một bộ này vậy cụ?

- Giá ghi bên trong đó cháu, người ở đây không nói thách.

Anh chọn một bộ ấm trà xinh xắn. Nhấc chiếc nắp, bên trong có ghi một con số. Mở nắp biết giá sao giống quá một trò chơi. Con số vừa vặn, giá phải chăng nếu không nói là rẻ. Nếu anh làm được bộ ấm trà như này sẽ bán với giá gấp mấy chục lần. Trong lúc cụ gói món hàng bằng rơm khô và giấy báo, anh chui qua chui lại chiếc cổng ngõ bằng gỗ xinh xắn. Anh không cao nhưng phải cúi thấp người cho khỏi đụng đầu. Thời ông bà ta xưa nhỏ con hay qua thời gian cùng bão lụt chiếc cổng bị lún trở nên thấp đi? Anh đứng tròn mắt ngắm nghía từ chân lên đỉnh cổng. Như chợt hiểu ý khách, cụ giải thích:

- Chiếc cổng có từ thời nội của ông nay thấp tè sau mấy lần nâng đường.

- Sao cụ không sửa cổng cao thêm một chút đi lại cho dễ?

- Đà gỗ bị mối ăn sắp sập, ông cũng muốn sửa lại lâu rồi nhưng đâu được. Ở phố cổ nhỏ xíu như cái bàn tay muốn sửa chút gì cũng phải xin cấp phép rườm rà. Không như phường bên kia sông, đất bồi đãi khách…

Theo hướng mắt cụ, anh nhìn vói qua cây cầu gỗ nhỏ. Xa xa bên kia nhà cửa kiến trúc hiện đại cao ráo ngói mới đỏ au, phố xá rộng rãi bán buôn tấp nập. Lúc này có con cháu cụ vừa về. Anh chưa nghĩ ra câu gì bèn hỏi lại, gợi chuyện để giữ chân:

- Bên kia là đất bồi à cụ?

- Thời còn nhỏ, tụi ông thường tắm sông bên ấy. Mùa hè nước chỉ lút mắt cá chân, cỏ lác mọc lưa thưa, đám trẻ suốt ngày lội bắt cá tôm ở đó. Sau lần tập kết đầu về nhà ông bỗng thấy xuất hiện một doi cát. Lần tập kết sau ông quay lại, bên ấy đã thành gò cao, chắc do trận lũ lớn năm Thìn đất cát từ thượng nguồn đổ về. Bãi bồi dần, cỏ dại tre dứa lau lách mọc um tùm thành tường rào bờ bao giữ đất. Càng về sau này đất cứ bồi mãi, chắc do rừng đầu nguồn bị chặt phá nhiều. Cứ mỗi mùa lụt, gỗ trôi từng súc lớn qua đây rồi ra biển…

Trên bến dưới thuyền, vó lưới vươn cần ra giữa sông làm cảnh, lồng đèn chùm cùng những cánh sao sặc sỡ. Khách trẻ từng đôi tay trong tay thư thả ngắm phố, vài cặp váy áo tạo dáng chụp hình cưới. Mấy tay chụp hình thường nói ở đâu nhiều đôi bạn trẻ đến chụp hình cưới ở đó nhất định đẹp. Công nhận thành phố nhỏ này đẹp. Mỗi năm anh đến vài lần, con đường nhỏ đi đến cuối đường, bàn chân cứ muốn quay lại đi thêm lần nữa. Màu nâu vàng cổ kính đặc trưng, ngày hay đêm đều có vẻ đẹp riêng, vừa gần gũi bình dị vừa kỳ ảo cuốn hút.

Đất bồi đãi khách. Có khi cả vùng đất này do bồi mãi mà thành. Không phải bồi hoàn toàn cũng do bao lần biển tiến biển lùi. Những bãi cát mịn trắng tinh cách biển hàng mấy chục cây số nay đã phủ rừng dương liễu bạt ngàn. Cách đó không xa, phía ngoài cửa biển kia dòng sông dài nước chảy ngang song song với bờ biển chạy suốt gần cả trăm cây số đến tận vùng ba bể, tách biệt một dải đất rộng và dài như con rồng uốn lượn hiền hòa. Ông bà xa xưa đón nhận nương sống thuận với tự nhiên, coi sự vận động biến đổi của mẹ thiên nhiên là lẽ bình thường, lúc biển tiến sẽ lùi vào chân núi, khi biển lùi lấn ra khai hoang khử mặn đắp bờ vùng bờ thửa, ruộng vườn cứ cơi nới thêm dần thì chuyện đụn cát bồi hình hổ ngoài biển chẳng có chi ghê gớm.

Cạnh bên chiếc ghế anh ngồi, một đoạn tường gạch mép đường được trám bằng những viên gạch chín rộng chừng năm tấc, không phải dấu vết tường bị đục rồi trám lại. Tường cũ gạch nung chín đỏ au chắc chắn xây hình móng ngựa khéo léo, gạch trám thớ gạch thô đường vôi vữa không được phẳng cho lắm. Thấy lạ lẫm anh bèn hỏi:

- Chỗ này được vá lại sau phải không cụ?

- Cháu thật tinh mắt! Cụ xoa hai tay cười rồi tiếp:

- Trước đây có cậu hướng dẫn viên du lịch hớn hở giới thiệu với khách rằng ấy là hầm trú ẩn của các đồng chí hoạt động bí mật, một di tích lịch sử bị bỏ quên. Phước cho các quý vị đến đây, dù ai có quên nhưng chúng ta đã đến đây sẽ biết và luôn nhớ! Như khám phá một bí mật trăm năm, khách Tây khách Ta vây lại trầm trồ sờ mó từng viên gạch từng đường vôi vữa. Cậu hướng dẫn viên giỏi tưởng tượng quá. Cậu còn tự hào giới thiệu vừa được đi tập huấn cho cả đoàn hướng dẫn viên lớp trẻ của thành phố…

Khoảng trống tường gạch mé đường ai chẳng nghĩ đến một chiếc hầm trú ẩn. Điều chưa đúng chắc chắn, hướng dẫn cho khách cũng không nên cho lắm.

- Chứ đó là gì vậy cụ?

- Phía này là mặt lưng ngôi nhà, chỗ đó là nơi cuối của nhà sau... Người đổ thùng chỉ đi lối này…

Quá đỗi bất ngờ, mắt anh vụt sáng. Lúc còn nhỏ anh đã từng đọc một truyện ngắn “Người đổ thùng” viết về chiến sĩ hoạt động chuyển tài liệu bí mật bị bắt rất xúc động trong cuốn sách cũ giấy đen sì của người bán xôi xé gói dở. Điều đọc trong sách mấy chục năm trước anh không thể hình dung ra nay được nhìn tận mắt. Anh cảm ơn cụ rối rít. Người già nắm giữ cả một kho kiến thức vô biên…

Đều đặn mỗi năm anh dạo lang thang phố cổ du xuân xem lễ hội trăng rằm. Những con phố thắp đèn lồng mờ ảo. Mấy cụ ông áo dài khăn đóng guốc mộc chong nến trắng đánh cờ tướng đón xuân trước hiên nhà, khách đi qua dừng lại nghỉ chân xem vài nước cờ. Gặp nước chiếu bí, có khách còn gà cờ chỉ trỏ nhộn cả khoảnh đường. Lần nào trước khi rời phố cổ anh cũng ghé gian hàng ông cụ mua một món sành sứ, nhiều lúc mua về để đó chứ không dùng đến. Có khi gặp cụ có khi không, cứ ghé vậy như một thói quen.

Năm nay dịch giã tan tác, khách về phố cổ lưa thưa. Ngồi quán góc đường ngắm sông ngắm người. Con đường bên bờ sông nhỏ ngày xưa vốn chỉ là lối đi sau nay càng ngày càng đẹp trở thành mặt tiền phố cổ. Con sông mới làm cho thành phố có hồn và nên thơ. Dòng sông nhỏ nước mấp mé mặt đường là dòng sông thương sông nhớ. Ngồi bên vết tường trám anh buột miệng, hỏi thử anh chủ quán trẻ:

- Anh ơi, sao chỗ này có vết tường lạ vậy?

Anh chủ quán hơi nhăn mặt. Vừa nhăn nhưng anh vừa cười hiếu khách:

- Em hỏi cái chi chi rứa em!

Câu trả lời vừa như câu hỏi. Người vùng này hỏi như trả lời còn trả lời như hỏi lại. Anh chủ quán tỏ vẻ không mấy hài lòng, có lẽ anh nghĩ vị khách muốn trêu anh. Em hỏi cái chi chi!

Anh khách mỉm cười, tự nhiên vui đến lạ. Hóa ra, vẫn còn người trẻ biết gốc tích xưa đến từng chi tiết nhỏ.

Mãi mãi, dù cho ngàn năm đất có bồi và lắng thêm trầm tích…

Theo TRƯƠNG ANH QUỐC (QNO)

Có thể bạn quan tâm