(GLO)- Một thông tin làm nức lòng người những ngày cuối năm là GDP năm 2019 của nước ta đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,6-6,8%). Càng phấn khởi hơn khi đây là năm thứ hai liên tiếp, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 7% và là năm tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, năm 2019 còn để lại những ấn tượng khó quên khi đất nước tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực nội trị, ngoại giao và hành trình nâng tầm vị thế quốc gia.
Khi đánh giá về một quốc gia nào đó, người ta thường nghĩ ngay đến sức mạnh của nền kinh tế. Ảnh internet |
Khi đánh giá về một quốc gia nào đó, người ta thường nghĩ ngay đến sức mạnh của nền kinh tế. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi thật khó để một chính phủ có thể tự tin nói được những câu chuyện tốt đẹp khi chưa đem đến sự no ấm, đủ đầy cho mỗi người dân. Vì vậy, kết quả tăng trưởng 7,02% là minh chứng hùng hồn nhất cho tính kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đó không phải là những nhận định mang tính chủ quan mà là sự ghi nhận một cách khách quan của các chuyên gia quốc tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam với mức tăng 10 bậc (từ mức xếp hạng 77 của năm 2018 lên mức 67 trong năm 2019) và là quốc gia tiến nhanh nhất thế giới về năng lực cạnh tranh. Lần đầu tiên, Việt Nam đã vươn lên nửa trên của bảng xếp hạng thế giới trong số 141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là kết quả của những nỗ lực bền bỉ trong công cuộc cải cách mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại khiến kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.
Không chỉ kinh tế, dấu ấn của năm 2019 còn được thể hiện ở nhiều mặt của đời sống chính trị đất nước. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và khả năng điều hành của Chính phủ tiếp tục được củng cố khi tinh thần quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo đất nước thông qua việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã tiếp tục mang lại những thành quả rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế lớn được đưa ra xét xử; nhiều cán bộ lớn cũng đã, đang và sẽ tiếp tục bị xử lý kỷ luật và bị pháp luật trừng trị vì những sai phạm nghiêm trọng mà họ gây ra.
Không ai vui vẻ gì khi nhìn những người từng một thời là đồng chí, anh em của mình bị kỷ luật, bị tra tay vào còng. Nhưng nếu xem đó là sự loại bỏ những con sâu, những bầy sâu tham nhũng để nguồn lực quốc gia không bị rút ruột, vơ vét; để Đảng sạch, nước mạnh, để bản chất tốt đẹp của chế độ, để tính tiên phong của một Đảng cầm quyền không còn bị chúng làm cho hoen ố thì đấy là một chỉ dấu của đạo đức, văn minh. Đảng đang lấy lại niềm tin của dân. Mà có niềm tin là có tất cả. Sức mạnh của Đảng là sức mạnh của lòng dân. Một khi dân đã tin thì dân sẽ là tai mắt, là chỗ dựa để Đảng tiếp tục làm tròn trách nhiệm vẻ vang của mình, lèo lái con thuyền đổi mới, đưa đất nước, dân tộc tiếp tục bước lên phía trước, tiếp tục gặt hái thành công.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ là tiền đề tốt, là cái đà vững chắc để năm 2020 kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định với dự báo tăng trưởng ở mức 7%, lạm phát trong khoảng 3,2-3,3%. Đặc biệt, bước sang năm 2020, khi Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta sẽ tận dụng được nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Sự hội nhập của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ngày càng sâu sắc hơn, trong đó sẽ tận dụng thêm thị trường ASEAN cũng như các nước ASEAN coi Việt Nam là một cửa ngõ bước ra thế giới và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, EU. Vai trò “kép” Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trong đó có vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020) sẽ hỗ trợ cho Việt Nam phát triển kinh tế và tăng cường vị thế ngoại giao, khi uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao thông qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện ngoại giao quan trọng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Năm 2020 là năm “bản lề” kết thúc chu kỳ 5 năm với mức tăng trưởng GDP dự kiến bình quân 6,84%/năm (đạt mục tiêu 6,5-7% của kế hoạch 2016-2020 đã đề ra), đồng thời tạo đà cho chu kỳ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030. Những thành tích ấn tượng của kinh tế trong năm 2019 như kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 517 tỷ USD (tăng 7,6% so với năm 2018), xuất siêu đạt kỷ lục (9,94 tỷ USD) đã góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế; nông nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định với kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 43 tỷ USD; thu hút FDI tiếp tục tăng cao… sẽ là cơ sở để năm 2020, kinh tế tiếp tục bứt phá.
Mùa xuân là mùa của hy vọng. Dẫu biết rằng thành quả không tự nhiên mà có, thành quả lớn lại càng không thể đến một cách dễ dàng. Dẫu biết rằng chặng đường phía trước vẫn còn không ít chông gai. Nhưng những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2019 với những “con số biết nói”-những con số mà nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “10 năm trước đây, chúng ta không thể nào hình dung được khi đất nước liên tục nhập siêu” cho phép chúng ta lạc quan về đất nước trong năm 2020 với những điều tốt đẹp.
NGUYỄN VÂN THIÊNG