Dấu ấn phong trào thi đua yêu nước tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Gia Lai được xây dựng, phát triển sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực, đơn vị, địa phương đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Với nội dung “Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua giành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội” mà Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Gia Lai lần thứ VIII phát động trong 5 năm qua, đã tạo nên nhiều thành tích đáng tự hào.

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, trong 5 năm qua, tỉnh Gia Lai đã có hàng trăm phong trào thi đua gắn liền với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi 5 mục tiêu và 7 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2011 và giai đoạn 2011-2015” được phát động trên mọi lĩnh vực, ở mọi đơn vị, địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là quyết tâm “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” và tinh thần “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.

Các phong trào thi đua đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở mức cao, bình quân hàng năm tăng 12,81%. Đồng thời, quy mô nền kinh tế được mở rộng, đến năm 2015 tăng gấp 2,54 lần so với năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/năm, bằng 79,7% so với bình quân chung của cả nước.

Chỉ tính riêng năm 2014, lĩnh vực công nghiệp-thương mại-dịch vụ đã có bước phát triển cả về quy mô và loại hình; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 8.386 tỷ đồng (trong đó, công nghiệp chế biến tăng 16,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối tăng 8%...). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.130 tỷ đồng, lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu mua sắm của nhân dân. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt trên 580 triệu USD-một con số ấn tượng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2015, giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 440 triệu USD vượt 46,7% so với mục tiêu đề ra.

Sản xuất kinh doanh phát triển, Gia Lai đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tạo đà thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tại Khu Công nghiệp Trà Đa đã có 43 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký trên 1.600 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.615 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

 

Sản xuất kinh doanh phát triển tạo đà thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất kinh doanh phát triển tạo đà thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Về nông nghiệp, những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao liên tục ra đời cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh hướng đến phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ vậy, dù thời tiết những năm gần đây tuy diễn biến thất thường nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, nhiều trang trại, dự án chăn nuôi lớn quy mô công nghiệp bước đầu đi vào hoạt động như: dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa, chế biến sữa, thịt, thức ăn gia súc của Hoàng Anh Gia Lai; Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood... hứa hẹn mang lại nhiều giá trị kinh tế lớn cho địa phương.

Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm trên 27%, cơ sở hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm, vệ sinh môi trường… thiếu và yếu mọi mặt, nhiều nơi làm theo kiểu chắp vá. Bên cạnh đó, 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là một trở ngại lớn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh xác định xây dựng NTM không chỉ là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững mà còn là nhiệm vụ cấp bách, có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.

Ngay khi bắt tay vào triển khai chương trình-19 tiêu chí NTM khắt khe, tưởng chừng khó vượt qua ấy đã được nhiều địa phương cán đích sớm với kết quả hơn cả mong đợi: 11 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 9 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và 19 xã đạt 15-18 tiêu chí. Kết quả trên đã góp phần làm bộ mặt nông thôn Gia Lai khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã xuất hiện những điểm sáng trong việc hiến hàng ngàn mét vuông đất, hàng triệu ngày công, đóng góp hàng trăm tỷ đồng… để làm đường, thủy lợi và các công trình phúc lợi công cộng. Qua 4 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 3.000 tỷ đồng để xây dựng NTM.

Có thể nói, những kết quả quan trọng từ phong trào chung sức xây dựng NTM đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để người dân nông thôn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa gia đình của nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng được nâng lên, góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh có 70% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 50% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (tăng 5% so với năm 2010), nét văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những thành tích về lĩnh vực kinh tế, thì các phong trào văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… đã tạo nên những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học đạt đúng tiến độ. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh đã có 151 trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài ra còn có 12 trường cao đẳng, trung cấp nghề và phân hiệu đại học đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” và “Thực hiện tốt 12 điều y đức”, đội ngũ y-bác sĩ đã khắc phục khó khăn, tích cực rèn luyện y đức, chuyên môn nghiệp vụ, góp phần phát triển sự nghiệp y tế, chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay, 222 xã, phường, thị trấn đều đã có mạng lưới y tế hoạt động với trên 700 bác sĩ, nhu cầu khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên rõ rệt.

Cùng với đó, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vững chắc. Dưới động lực của các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”… mỗi cá nhân, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; đấu tranh, ngăn chặn  kịp thời và hạn chế các nhân tố hình thành điểm nóng để giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Đặc biệt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã sớm ghi được dấu ấn trong đời sống xã hội, trở thành phong trào thi đua rộng khắp, có tác dụng hiệu triệu lòng quyết tâm, hành động của các tầng lớp nhân dân. Dưới sự soi rọi của ánh sáng tư tưởng đạo đức của Bác, mỗi tập thể, mỗi cá nhân đã tiếp thu và tự chọn cho mình những cách làm hay, việc làm tốt cụ thể và thiết thực nhất góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị vừa được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, 26 tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen và 50 tập thể, cá nhân được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác. Bên cạnh đó, hàng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều vinh danh hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc học và làm theo gương Bác.

Kế thừa những kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn 2016-2020, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Đồng thời, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng ra sức thi đua, lao động, học tập và sáng tạo, xây dựng Gia Lai thêm giàu mạnh, năng động trên bước đường hội nhập cùng đất nước.

 Hoàng Công Lự
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh

Có thể bạn quan tâm