(GLO)- Vùng biên giới Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang khởi sắc từng ngày, trải dài một màu xanh cây trái, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc ổn định, phát triển. Thành quả đó có công sức đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15.
Nhân rộng những mô hình hay
Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có một truyền thống đoàn kết, một sức mạnh nội lực to lớn, vượt lên khó khăn để chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương và chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để chung sức phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực bám dân, vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác từ “phát, đốt, chọc, tỉa” sang trồng cây lúa nước, cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, điều… theo phương châm trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Những năm gần đây, đơn vị vừa mở rộng diện tích cây trồng, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân, lại vừa bám buôn, bám bản làng, vừa làm vừa học tập rút kinh nghiệm.
Cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 (Binh đoàn 15) giúp dân địa phương làm cỏ lúa. Ảnh: Q.L |
Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã có nhiều sáng kiến, nhiều phong trào và mô hình thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh mô hình “Gắn kết hộ” (hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ người dân tộc thiểu số); mô hình “Lúa nước trồng trên núi” của Công ty 72; mô hình “Người Jrai mang tiền đi đẻ” của Công ty 74; mô hình “Vườn rau gắn kết” của Công ty 75 và mô hình “Làng công nhân biên giới” của Công ty 715… thì gần đây, mô hình “Cây lúa trên đất tái canh” của Công ty 385 và Công ty 72, 74 đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Đặc biệt, mô hình “Hũ gạo gắn kết” của Công ty 72 không chỉ “tiếp sức” cho các hộ nghèo trên vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân, làm thất bại âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch, chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đức Thành-Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: “Dù đang gặp khó khăn, sản phẩm làm ra giá rẻ, lại khó tiêu thụ nhưng Binh đoàn đã vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến… cùng với thực hiện phương châm “tiết kiệm”, kéo dài thời gian sử dụng các phương tiện sản xuất, nâng cao sản chất lượng sản phẩm để bảo đảm đời sống cho người lao động. Đến nay, Binh đoàn đã phát triển hơn 42.000 ha cao su, 300 ha cà phê, 90 ha lúa nước, giải quyết việc làm cho trên 18.141 lao động (trong đó có hơn 7.000 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) với thu nhập trung bình gần 5,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Binh đoàn đang đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình trên ở các đơn vị.
Cây lúa tái canh, hạt gạo gắn kết
Nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số trên vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, ngoài các mô hình thực hiện từ những năm trước, gần đây, Binh đoàn 15 đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh mô hình “Cây lúa trên đất tái canh” (cho dân mượn đất những vườn cao su tái canh để trồng lúa nương giữa những luống cao su) và “Hũ gạo gắn kết”. Đến nay đã có 2.752 hũ gạo gắn kết từ các hộ gia đình tự nguyện đóng góp với số gạo thu được trên 312 tấn, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng (riêng Công ty 72 có 1.696 hũ gạo). Toàn bộ số gạo này đã cấp hỗ trợ cho 2.056 hộ nghèo. Bên cạnh đó, Công ty 72, 74, 385 đã cho người dân mượn 1.066 ha đất để trồng lúa xen canh. Hàng ngàn hộ dân ở đây đã hưởng lợi từ các mô hình này. Đây được coi là một chủ trương “rất thời sự”, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho bà con địa phương.
Có mặt tại xã biên giới Ia Kla (huyện Đức Cơ), chúng tôi thấy cuộc sống người dân đã có những chuyển biến tích cực. Từ một xã nghèo đói, tình hình an ninh chính trị có những lúc diễn biến phức tạp, nhưng đến nay, nhờ sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ Công ty 74 nên không còn người vượt biên trái phép, không có người đi theo cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, đời sống kinh tế-xã hội phát triển. Trên 637 ha đất cao su tái canh được Công ty 74 cho bà con mượn để trồng lúa nương, với năng suất 5 tấn/ha đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Ông Ksor Yom, già làng Ghè vui mừng cho biết: “Có đất bộ đội cho mượn để trồng lúa nên bà con trong làng có thêm cái ăn, không lo cái đói”.
Đến làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ). Ông Siu Binh-già làng cho biết: “Trong làng có 192 hộ thì có 134 hộ có người làm công nhân cho Công ty 72. Người lao động được nhận khoán vườn cây, được hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, lại được Công ty thu mua mủ nên thu nhập ổn định, kinh tế ngày một phát triển. Năm 2014, trong làng có 21 hộ nghèo, nhưng đến hết tháng 4 năm 2016 chỉ còn 12 hộ nghèo. Số này hàng tháng được Công ty hỗ trợ gạo ăn, từ mô hình “Hũ gạo gắn kết”. Đây là hạt gạo bộ đội, hạt gạo đoàn kết quân dân, nên bà con rất biết ơn sự “tiếp sức” của Công ty 72”.
Từ hiệu quả các mô hình “Vì cuộc sống của người dân” ở Binh đoàn 15, hàng ngàn lao động trên địa bàn vùng biên giới của tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum đã có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên làng quê của mình.
Quang Lê