Đau đáu tình quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều cuối năm, chỉ còn những tia nắng yếu ớt phía chân trời nhưng vài chiếc thuyền câu vẫn khua nhẹ mái dầm trên dòng sông Mun. Cảnh hoàng hôn nơi xứ người làm chúng tôi mở lòng hơn trong một ngôi quán nhỏ bên sông.

Ông Bôn-một Việt kiều ở Ubon Ratchathani, thành phố lớn thứ 5 của Vương quốc Thái Lan, ngân ngấn nước mắt khi kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình. Bố mẹ ông từ quê hương miền Bắc Việt Nam sang đây từ những năm 40 thế kỷ trước. Lúc này người Việt ở Thái chỉ là công dân hạng 2, không được đối xử bình đẳng như bây giờ, hầu như ai cũng phải giấu đi thân phận, gốc gác của mình.
 

Ông Bôn (bên phải) chụp ảnh cùng nhà báo Trần Văn Nghĩa tại tiệm giò chả. Ảnh: T.P

Ngay cả giai đoạn trước 1975 chính quyền Thái vẫn còn kiểm soát gắt gao việc đi lại, làm ăn của người Việt ở đây. Bà con không được làm việc trong các công ty, xí nghiệp của Thái, không được nhập quốc tịch Thái, không được học tiếng Việt. Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến đấng sinh thành. Đã hơn 50 năm nhưng ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh bố mẹ ông đốt nén hương hướng về phía Đông là quê hương lâm râm cầu khấn, trên khuôn mặt lộ nét buồn u ẩn trong buổi chiều cuối năm.

Ngay cả khi được tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà con Việt kiều vẫn phải nén niềm vui xuống đáy lòng, chỉ biết sẻ chia với nhau qua ánh mắt. Không để các thế hệ sau quên đi cội nguồn, công việc mưu sinh nơi đất khách tuy vất vả nhưng các gia đình vẫn dành thời gian để dạy dỗ con cháu nói và viết tiếng Việt những khi có thể. Vậy nhưng những buổi học “bữa đực, bữa cái” đó vẫn giúp cậu bé Bôn sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ, mặc dù hàng ngày cậu học tập và sinh hoạt, trao đổi với nhau đều bằng tiếng Thái.

Người đàn ông tuổi quá lục tuần ngậm ngùi: Bây giờ thì mình có quyền nói tiếng Việt rồi nhưng bố mẹ lại không còn để hưởng niềm vui…

Như ông Bôn, năm nay đã 57 tuổi, anh Lê Quốc Vi cũng sinh ra trên đất Thái. Vì sinh kế nên cha mẹ anh rời quê hương Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế sang Lào rồi qua Thái. Cực nhọc mưu sinh nơi xứ người nhưng cha mẹ anh vẫn quyết tâm cho con đi học. Ban ngày anh đến trường Thái, tối về lại học tiếng Việt với cha. Dưới ánh đèn lờ mờ, cha anh dạy cho anh tập đọc, tập viết. Những con chữ a, b, c… nhảy múa trước mắt anh và cứ như một sự liên kết thần kỳ trong máu thịt, anh tự ghép vần rồi đọc lên tên mình, tên mọi người thân trong gia đình bằng một thứ âm thanh nhỏ rì rầm, sâu lắng.

Lớn lên anh tiếp tục vừa đi học vừa đi làm. Từ nghề thợ điện anh chịu khó học tập nên giỏi tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Thái. Những năm gần đây anh Vi được Trường Đại học Ubon Ratchathni Rajabhat mời thỉnh giảng. Anh cho biết tiếng Việt được khuyến khích đưa vào chương trình dạy ngoại ngữ tại đây sau khi Chính phủ Thái Lan có chính sách cho các trường học ở những tỉnh giáp biên giới với nước láng giềng nào thì cần học ngôn ngữ của quốc gia đó. Vợ anh cũng là người Việt thế hệ thứ hai sinh trưởng trên đất Thái, chị làm chủ một quán ăn khá lớn ở thành phố này.
 

Công viên thành phố Ubon. Ảnh: T.P

Ở Ubon hiện nay có khoảng 2.000 gia đình Việt kiều sinh sống, hầu hết đều thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Phần lớn bà con đều mua bán hoặc làm thợ thủ công, một số có đời sống khá giả, nhiều gia đình thu nhập đến cả chục triệu bath mỗi tháng. Điển hình là khu người Việt ở phố Xinalon. Tại đây có lò bánh mì của ông Bùi Văn Sỹ, nhà hàng Daothong và khoảng 6-7 gia đình kinh doanh hàng giò chả, nổi tiếng nhất là chuỗi cửa hàng của ba chị em bà Đinh Thị Mão, Đinh Thị Dậu và Đinh Thị Tỵ. Mỗi ngày trung bình mỗi cửa hàng của ba chị em bà dùng đến gần 100 kg thịt heo, thịt bò để làm giò chả, lạp xưởng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cả vùng Đông Bắc và thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Mấy năm gần đây ông Bôn thường đưa các đoàn khách Việt kiều từ Ubon về thăm quê và làm hướng dẫn viên cho các đoàn Việt Nam sang Thái. Nghề tay trái và công việc khá vất vả, thu nhập không cao song với ông “đây là một cách để nhớ về cội nguồn bởi được về Việt Nam và nói tiếng Việt với mọi người”.

Còn anh Lê Quốc Vi thì qua lại như con thoi giữa Thái Lan và Việt Nam do anh thường đưa các đoàn doanh nhân Thái và quan chức Ubon sang Việt Nam tìm hiểu và ngược lại đưa doanh nhân Việt Nam sang Thái mua máy móc sản xuất. Công việc bận rộn nhưng năm nào đến Tết cổ truyền bà con Việt kiều ở Ubon cũng đều tổ chức cúng giỗ tổ tiên, lập bàn thờ, treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Nhìn bàn thờ bày biện trang nghiêm, hoa quả, bánh chưng, bánh tét và khói hương nghi ngút không ai nghĩ đây là Tết Việt trên đất Thái.

Mời tôi cạn nốt ly rượu gạo từ quê nhà đưa sang, ông Bôn trầm giọng: Tết này chắc tôi không về được…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm