Thời sự - Bình luận

Đâu dễ giữ vững "hàng đầu"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ miền Trung, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, vừa cho biết đơn vị này đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của tỉnh này đến năm 2025, cùng với đó là tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin hệ thống phần mềm du lịch thông minh cho ngành du lịch của tỉnh.

Nhân chuyện từ Quảng Nam để nói, ở thời điểm này, chuyện ứng dụng công nghệ thông tin, rộng hơn đó là chuyện chuyển đổi số, không chỉ riêng du lịch mà tất cả hoạt động trên các lĩnh vực khác của đời sống cũng đang đòi hỏi phải nhập cuộc, vì đó là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh phải "sống chung" - thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 - thì việc chuyển đổi số phải là chuyện sống còn của doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực.

Nói về lĩnh vực du lịch của Việt Nam, từ cuối tháng 11-2018 đã có đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, ban hành theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng. Từ đó đến nay, ở tầm quốc gia, cái dễ thấy nhất là chúng ta đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, cụ thể là hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch; kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ trung ương đến cơ sở...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích, nổi bật nhất có thể kể đến app "Du lịch Việt Nam an toàn" - một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn... kể cả việc du khách có thể gửi ngay phản ánh tới Tổng cục Du lịch.

Có những nỗ lực như thế nên mới có việc Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (do Tổ chức World Travel Awards công bố hôm 19-10) trao cho ngành du lịch Việt Nam danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á 2021".

Nhưng nói cho cân phân thì giữa việc có các tiện ích với việc ứng dụng vào đời sống luôn là 2 chuyện khác nhau. Đơn cử như mấy ngày qua, trong khi để bảo đảm công tác phòng dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn không đón khách từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương (trừ cơ sở được phép thí điểm), thực tế vẫn có những khách sạn cố tình vi phạm; nhiều du khách vẫn không thực hiện nghiêm quy định 5K khi sinh hoạt tại các nơi công cộng. Như vậy thì rất khó nói về "du lịch an toàn" để tiếp tục mời gọi du khách!

Giành được danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á 2021" là rất khó nhưng giữ được danh hiệu này thì khó hơn ngàn lần. Từ chuyện xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương khác nữa, rõ ra một điều là chúng ta không thiếu các kênh thông tin nhưng việc người dân và doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng vào đời sống ở mức độ nào lại là chuyện khác? Ở góc độ này, nếu chỉ tiện ích và hiện đại không thôi thì đôi khi vẫn là chưa đủ.

Theo Lương Duy Cường (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm