Thời sự - Bình luận

Đầu tư công: "Cú hích" của nền kinh tế sau đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, tình hình dịch Covid-19 đã bắt đầu được kiểm soát.

Một tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 mới giảm dần. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Nếu dịch được kiểm soát tốt thì kinh tế có thể tăng trưởng 3,5-4% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này cần sự quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương, khắc phục khó khăn, tranh thủ cơ hội, xu thế mới, đảm bảo đạt các chỉ tiêu cao nhất đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước. Trong đó, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công được xem là “cú hích” mạnh mẽ cho quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Thi công Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả sông Ba-đoạn qua khu vực xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Ảnh: Hà Duy
Thi công Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả sông Ba-đoạn qua khu vực xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Ảnh: Hà Duy


Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trên cả nước là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,38 triệu tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách trung ương (1,08 triệu tỷ đồng vốn trong nước và 300 ngàn tỷ đồng vốn nước ngoài); 1,37 triệu tỷ đồng là ngân sách địa phương và 120 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công. Phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn này đang được xây dựng. Trong đó, dự kiến, 10% vốn ngân sách trung ương được để lại dự phòng, số còn lại khoảng 2,7 triệu tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này sẽ ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và then chốt của nền kinh tế (chiếm hơn 71%). Trong đó, hơn 68% được dồn cho hạ tầng giao thông, chủ yếu là các dự án quan trọng quốc gia, dự án liên vùng, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển. Theo kế hoạch, trong 5 năm (2021-2025), nước ta sẽ hoàn thành 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Năm 2025 sẽ hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông; hoàn thành các công trình thủy lợi và các hồ chứa nước trọng yếu ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… Cùng với đó là các dự án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực… nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, một mặt cần tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công; mặt khác thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cần tăng cường sự giám sát của Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện, đặc biệt với các công trình và tiến độ giải ngân ở địa phương; kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ điều hành dự án yếu về năng lực chuyên môn hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Về ngắn hạn, việc quyết liệt tháo gỡ và thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm, để cùng với đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho kinh tế bật dậy trong quý IV, giúp lấy lại toàn bộ những thiệt hại mà đợt dịch thứ 4 đã gây ra cho nền kinh tế, qua đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho cả năm.

Trong trung hạn và dài hạn, cần kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới. Các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm tính khả thi của các dự án khởi công mới và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ quy định pháp luật.

Nói cách khác, dù số lượng các dự án có giảm đi nhưng để thực sự là “cú hích” về hạ tầng phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, những đồng vốn đầu tư công phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Các dự án đầu tư công phải đảm bảo đã triển khai là phải hoàn thành để đưa vào khai thác và phát huy tác dụng cho nền kinh tế. Các địa phương cũng cần biết rằng, Chính phủ đã xác định kiên quyết nói không với tình trạng “xin-cho”, với các công trình dở dang không hẹn ngày hoàn thành, nguồn lực phân tán… ít nhiều từng xảy ra trong quá khứ.

 

ĐÌNH CƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm