Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu hụt nông sản vụ sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cần đẩy mạnh sản xuất vụ lúa thu đông, trồng rau, quả vụ đông và tăng cường chăn nuôi gia súc gia cầm nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất để không thiếu hụt nông sản, thực phẩm ở vụ sau. Ảnh: Vũ Long
Ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất để không thiếu hụt nông sản, thực phẩm ở vụ sau. Ảnh: Vũ Long


Đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2021, diện tích gieo trồng khoảng 7.266 nghìn hecta lúa, năng suất dự kiến 59,5 tạ/ha, sản lượng dự kiến: 43,3 triệu tấn, tăng 600 nghìn tấn so với năm 2020. Ngoài vụ hè thu đang cho thu hoạch, hiện nay các địa phương đang triển khai trồng vụ thu đông (tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) dự kiến diện tích gieo cấy ước đạt 0,70 triệu hecta, năng suất 55,2 tạ/ha,  sản lượng 3,9 triệu tấn.

"Đến nay, lúa thu đông đã đã gieo sạ 420 nghìn hecta trên tổng số 700 nghìn hecta, đạt 60,22% so với kế hoạch. Đến cuối tháng 8.2021, sẽ xuống giống dứt điểm các diện tích còn lại" - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, thông tin.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày qua, nông dân các huyện trong tỉnh đã tranh thủ xuống giống lúa thu đông được hơn 101.000 trên tổng 119.100ha theo kế hoạch đề ra. Trong đó, một số nơi gieo sạ sớm như ở huyện Thanh Bình, Tháp Mười…, lúa thu đông bắt đầu trổ bông với hàng ngàn hecta.

Bên cạnh đó, về rau, trong những tháng cuối năm 2021, các tỉnh phía Nam sản xuất khoảng 267 nghìn hecta, năng suất 187 tạ/ha, sản lượng 5,0 triệu tấn; các tỉnh phía Bắc khoảng khoảng 166 nghìn ha, sản lượng 3,18 triệu tấn.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội sẽ gieo trồng 12.932ha rau vụ đông, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm với khoảng 500-600ha. Về chăn nuôi, duy trì đàn bò 164.000 con; đàn gia cầm 40 triệu con; tiếp tục phát triển đàn lợn lên 1,8 triệu con; đồng thời tăng diện tích sản xuất thủy sản để đạt sản lượng 120.000 tấn/năm.

"Sở NNPTNT cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung - cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời…, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường" - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Không để thiếu hụt nông sản ở vụ sau

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, nhưng ngành nông nghiệp hơn bao giờ hết phải khắc phục khó khăn, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nhưng phải đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo sản lượng nông sản cho vụ sau.

Theo đó, các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp phải hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành phố; chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bộ NNPTNT nhận định, những tháng cuối năm 2021, dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản cũng như việc cung ứng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất.

“Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lưu thông các vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi;… đều đã có những bước chuẩn bị để khi chúng ta khống chế được dịch COVID-19 thì các địa phương sẽ triển khai ngay kế hoạch của vụ thu đông và đông xuân.

Nếu chúng ta không làm được hai việc đó thì nông sản đến vụ thu hoạch không đảm bảo tiêu thụ hết và giá ở mức tương đối. Và nếu không thu hoạch được nông sản thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ sau, gây nguy cơ thiếu nông sản” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

https://laodong.vn/kinh-te/day-manh-san-xuat-khong-de-thieu-hut-nong-san-vu-sau-946023.ldo

Theo VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm