Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đặc biệt, đơn vị thường xuyên phối hợp cùng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và đối thoại về chính sách BHTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chính sách BHTN ngày càng lan tỏa trong xã hội.

Người lao động tìm hiểu về chính sách BHTN tại phiên giao dịch việc làm lưu động ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.Y

Ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai cho biết: Nhiệm vụ chính của Trung tâm là đón tiếp, tư vấn, giới thiệu học nghề, việc làm cho người lao động và tuyên truyền chính sách BHTN đối với chủ sử dụng lao động và người lao động thông qua hoạt động sàn giao dịch việc làm định kỳ và lưu động. Từ khi Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015, Luật Việc làm đã tạo ra khung pháp lý để lao động và người sử dụng lao động tham gia BHTN.

Trong 7 năm qua, chính sách BHTN đi vào cuộc sống đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách BHTN nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ cho người thất nghiệp được học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động. Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các cụm huyện, thị xã, thành phố; đối thoại tại doanh nghiệp để người lao động và chủ sử dụng lao động hiểu rõ hơn về chính sách BHTN. Tuyên truyền trên báo, đài, phát tờ rơi, pa nô, áp phích. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cử viên chức đến 38 đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền; phát trên 7.000 tờ rơi đến tận người lao động. Nhờ đó, người lao động và chủ sử dụng lao động ngày càng hiểu, nắm chắc hơn về chính sách BHTN.

Có mặt tại buổi tư vấn tuyên truyền chính sách BHTN trong phiên giao dịch việc làm lưu động ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku) mới đây, chúng tôi càng thấy hiệu quả của việc tuyên truyền trực tiếp này. Chỉ trong 1 ngày, phiên giao dịch việc làm lưu động đã thu hút gần 300 lượt người đến tìm hiểu và nắm bắt thông tin về thị trường lao động, về việc làm, quyền lợi và chế độ của người lao động khi tham gia BHTN... Chị Nguyễn Thị Thùy (thôn 5, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết, chị đang làm công nhân ở một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa. Chế độ của chị được chủ sử dụng lao động nói rằng là khoán thẳng vào lương. Với mức lương 4 triệu đồng/tháng đang hưởng, chị cứ nghĩ là doanh nghiệp đã chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN cho người lao động, nên chị không đề nghị doanh nghiệp áp dụng chế độ cho mình. “Nhưng khi nghe cán bộ Trung tâm tư vấn chế độ, chính sách, việc làm, cũng như quyền lợi của người lao động tôi mới vỡ lẽ ra là ngoài tiền lương, tiền công thì người lao động còn được thụ hưởng các chế độ, quyền lợi khác. Tiền lương là tiền công hàng ngày chủ doanh nghiệp phải trả, còn chế độ chính sách là quyền lợi của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật mà chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thực hiện cho người lao động. Nếu không tham gia buổi tư vấn thì tôi không biết được”-chị Thùy nói.

 

Tính từ đầu năm đến ngày 10-11- 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 3.754 người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHTN, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, Trung tâm hoàn thiện hồ sơ trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.382 trường hợp. Tổng số tiền chi trả theo quyết định là 34,1 tỷ đồng. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 15,9 triệu đồng/người/tháng (hưởng 7 tháng), còn số tiền chi trả trợ cấp bình quân là 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho 100% số lao động khi đến Trung tâm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tương tự, trong buổi đối thoại về thực hiện chính sách BHTN với cán bộ và người lao động tại Nhà máy Đường An Khê, ông Châu Ngọc Dũng-cán bộ quản lý Phòng Hành chính-Tổ chức Nhà máy cho biết: Nhà máy có 535 lao động đang tham gia BHTN. Mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN luôn được doanh nghiệp coi trọng. Các chế độ quyền lợi của người lao động cũng luôn được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Qua buổi đối thoại, người lao động và doanh nghiệp đã tháo gỡ được nhiều vấn đề còn vướng mắc, như: thủ tục hoàn thiện hồ sơ, chế độ và quy định hưởng chế độ thất nghiệp khi mất việc làm.

Từ việc phối hợp tuyên truyền, đối thoại, tư vấn cho thấy, hiệu quả của chính sách BHTN tại tỉnh đã lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp và người lao động.

 “Trong số 3.754 hồ sơ người lao động tới nộp đề nghị hưởng chế độ BHTN từ đầu năm đến nay chỉ còn 73 trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số doanh nghiệp và người lao động thực hiện chính sách BHTN ngày càng tăng lên. Nếu năm 2009, số người tham gia BHTN là 40.214 người thì đến đầu năm 2016 là 68.898 người. Từ đó cho thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN tới các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, người lao động, chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh cùng với những nội dung sửa đổi trong các văn bản mới đã góp phần làm giảm tỷ lệ hồ sơ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHTN”-ông Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.

Đổi mới hình thức tuyên truyền gắn với hoạt động sàn giao dịch việc làm để chính sách BHTN ngày càng lan tỏa đến người lao động và chủ sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề mới để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động là vấn đề cần làm thường xuyên.   

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm