Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, huyện Kbang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Người dân xã Kon Pne thu hoạch sâm đá. Ảnh: N.S
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: Việc thực hiện Chỉ thị số 50 trên địa bàn huyện đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ. Nhiều đề tài, dự án công nghệ sinh học đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn như: sản xuất giống lúa xác nhận tại xã Sơ Pai và Tơ Tung; xây dựng cánh đồng mía lớn ở xã Đak Hlơ; trồng thí điểm cây cao su tiểu điền, mắc ca, chanh dây; trồng cam giống ghép chất lượng cao tại xã Sơ Pai và Sơn Lang; sản xuất cà chua ghép trên gốc cây cà tím, trồng rau sạch trong nhà lưới tại xã Đông; nâng tỷ lệ đàn bò lai từ 55% lên 72%, tỷ lệ heo thịt hướng nạc từ 28% lên 60%; phục hồi và phát triển các loại dược liệu quý… Các đề tài, dự án nói trên bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai) là đơn vị tiên phong đưa giống sâm đương quy về trồng ở huyện Kbang, bước đầu cho thu nhập hàng tỷ đồng, mở ra hướng phát triển mới. Ông Phạm Văn Hậu-Giám đốc HTX-cho biết: “Năm 2017, tôi đưa vào trồng thử nghiệm 1,7 ha sâm đương quy. Nhận thấy loài cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên tôi đã mở rộng diện tích thêm 7 ha và làm vườn ươm cây giống rộng 2,5 ha. Đến nay, diện tích đương quy của HTX đã lên đến 20 ha với hơn 10 thành viên tham gia sản xuất. Hiện đã có 7,3 ha sau gần 18 tháng trồng chuẩn bị cho thu hoạch với sản lượng khoảng 100 tấn củ”.
Theo ông Hậu, cây sâm đương quy phát triển tốt trên đất Kbang đã mở ra hướng đi mới cho việc trồng cây dược liệu tại địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Với giá thu mua 27.000-30.000 đồng/kg thì chỉ với diện tích 7,3 ha, HTX sẽ thu về gần 3 tỷ đồng. “Sau lứa đầu tiên, chúng tôi đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc đương quy. Hy vọng cuối năm nay, gần 13 ha còn lại trồng trong năm 2019 sẽ đạt sản lượng cao”-ông Hậu vui vẻ cho biết.
Người dân làng Hà Nừng, xã Sơn Lang thu hoạch quả sa nhân tím. Ảnh: N.S
Ngoài ra, công tác nghiên cứu bảo tồn gen và nhân rộng các loài dược liệu quý hiếm như: sa nhân tím, sâm đá, sâm dây và vằng đắng trồng dưới tán rừng tại các xã: Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne đã cho kết quả khả quan; riêng diện tích cây sa nhân tím đã lên tới trên 180 ha. Đặc biệt, mô hình nhân giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô bước đầu thành công và đang được triển khai dưới tán rừng.  
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình cho biết: Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ sinh học đã từng bước tạo lập tính ổn định, giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác; đồng thời giúp thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: “Thời gian tới, Phòng sẽ đề nghị UBND huyện đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư kinh phí cho các đề tài, chương trình, dự án và có chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ sinh học về công tác ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
NGUYỄN SANG

Có thể bạn quan tâm