Dạy nghề cho phụ nữ: Hiệu quả lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đạt được bình đẳng giới thì việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực là điều cần thiết. Đối với phụ nữ, việc nắm được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia vào thị trường lao động nhằm tạo ra thu nhập là cơ hội để họ được bình đẳng.

Đối với phụ nữ, việc nắm được kiến thức kỹ năng nghề nghiệp để tham gia vào thị trường lao động nhằm tạo ra thu nhập là cơ hội để họ được bình đẳng. Tuy nhiên, hiện nay, sức ép của thị trường lao động đòi hỏi đội ngũ lao động phải không ngừng sáng tạo, học hỏi để bắt kịp với xu thế phát triển. Trong quá trình này, nhóm lao động là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn do trình độ dân trí thấp, nhận thức về vai trò, vị thế còn hạn chế… Đây là những lý do khiến nhóm phụ nữ này dễ rơi vào tình trạng yếu thế, dễ bị tổn thương. Để đạt được bình đẳng giới, điều tiên quyết là phải tạo cho phụ nữ vị thế, điều kiện để họ có thể nắm bắt được cơ hội, từ đó vươn lên hội nhập và phát triển. Nhận thức được điều đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình phối hợp “Dạy nghề giải quyết việc làm cho phụ nữ giai đoạn 2016-2020”.

 

Huyện Mang Yang tổ chức dạy dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ xã Kon Thụp. Ảnh: Đ.T

Trong năm 2016, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm tại 8/17 huyện, thị xã, thành phố cho 550 hội viên phụ nữ với nội dung về chủ trương, chính sách học nghề, việc làm, tuyên truyền về các nghề như trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước, nuôi cá nước ngọt…; giới thiệu các cơ hội học nghề, việc làm phù hợp với khả năng của hội viên phụ nữ các địa phương. Bên cạnh đó, 2 bên còn phối hợp thông tin tuyên truyền về lao động việc làm, gương điển hình cá nhân và tập thể thực hiện tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ thông qua việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với hội viên phụ nữ nhằm hỗ trợ những thông tin cần thiết về học nghề và việc làm.

Trong năm 2016 đã có 1.815 lao động nữ được đào tạo nghề. Sau đào tạo, nhiều phụ nữ biết áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất tạo ra năng suất lao động cao hơn, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, việc tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tác động, làm chuyển biến nhận thức của hội viên nữ trong xác định lựa chọn nghề và cơ hội tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, 2 đơn vị còn lồng ghép các hoạt động xây dựng mô hình phụ nữ làm kinh tế, tổ liên kết tạo việc làm sau học nghề như mô hình “Nuôi vịt xiêm” tại huyện Chư Pah, “Nuôi cá trong ruộng lúa” tại huyện Phú Thiện, “Dệt thổ cẩm” tại huyện Kông Chro… Các mô hình này đã giúp các hội viên áp dụng được các kiến thức vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vì việc nhận thức về học nghề của đại bộ phận hội viên còn hạn chế. Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp nên việc tiếp thu, phát huy kiến thức và kỹ năng chưa được như mong muốn, số lượng chị em tham gia học nghề còn thấp.

Trong thời gian tới, thiết nghĩ, việc phối hợp cần được thực hiện chặt chẽ hơn, đồng thời cần thường xuyên liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để giới thiệu những ngành nghề mới mà thị trường lao động đang có nhu cầu để hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ. Trong quá trình đào tạo cần lồng ghép các kỹ năng, kiến thức về sức khỏe sinh sản, kỹ năng nuôi dạy con cái, pháp luật để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm