Thời sự - Bình luận

Đẩy nhanh 'cuộc cách mạng về đi đứng'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nghị định 100 đi vào cuộc sống, đó sẽ là 'cuộc cách mạng về đi đứng' của người Việt. Vì thế không thể trông vào đợt tổng kiểm tra một tháng. Còn rất nhiều việc phải làm, từ việc để người dân hiểu việc gì được hay không được làm khi ra đường.

 Cảnh sát giao thông TP.HCM lập biên bản phạt các trường hợp vi phạm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cảnh sát giao thông TP.HCM lập biên bản phạt các trường hợp vi phạm - Ảnh: QUANG ĐỊNH



Trong ngày đầu tiên (15-5) được dừng phương tiện giao thông mà không cần phát hiện lỗi ban đầu, CSGT đã dừng kiểm soát hơn 70.000 trường hợp, con số đủ lớn để tạo sự quan tâm của xã hội.

Với 327 trường hợp vi phạm nồng độ cồn/9.000 trường hợp biên bản, tỉ lệ 3,63%, cho thấy vi phạm về nồng độ cồn không cao, bất kể vừa ra khỏi cách ly xã hội, nhiều người có tâm lý… xả cảng.

Đợt ra quân xử phạt này nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, chấp hành Luật giao thông đường bộ và nâng cao ý thức chấp hành nghị định 100.

Nghị định 100 không chỉ có xử phạt về hành vi uống rượu bia vẫn lái xe mà quy định chi tiết đến từng loại phương tiện giao thông như ôtô, xe máy, xe đạp, đi bộ, thậm chí từng hành vi mà trước đây nhiều người cho là bình thường như xe đạp bám xe máy, che dù khi đi xe 2 bánh, đá bóng, phơi nông sản… trên đường.

Đi vào chi tiết có hàng trăm hành vi có thể vi phạm đến 6 vấn đề của quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, quy định về vận tải đường bộ và các vi phạm khác…

Trừ 3,63% vi phạm về nồng độ cồn, có lẽ các vi phạm bị lập biên bản thuộc về các hành vi mà ít người để ý này. Trong đó có lỗi vi phạm không mang đủ giấy tờ cần thiết khi đi đường. Như có phản ảnh rằng ngày cuối tuần 16-5, CSGT "mỏi tay" ghi phiếu phạt, người vi phạm đứng tràn ngã tư TP.HCM do không mang giấy tờ xe.

Như vậy, nhiều người vẫn nghĩ nghị định 100 là phạt lỗi uống rượu bia vẫn lái xe. Đa số vẫn còn thói quen ra đường mà không mang bóp với đủ giấy tờ tùy thân liên quan đến xe, dù luật đã quy định từ lâu. Rồi sau này, sẽ còn nhiều người kêu trời khi bị phạt về những lỗi liên quan đến chuyển làn, đèn tín hiệu…

Nói như vậy cho thấy đợt ra quân tổng kiểm tra rầm rộ nhưng tuyên truyền giáo dục chưa tương xứng.

Cần nhắc lại, nghị định 100 ban hành ngày 30-12-2019 và thi hành từ ngày 1-1-2020, trong đó phạt nghiêm các bác tài uống rượu cũng tạo ra tâm lý băn khoăn sao mà gấp gáp. Chưa kể, việc thực hiện nghị định 100 sau đó đã bị đại dịch COVID-19 "che khuất" cho đến ngày 15-5 CSGT trở lại ra quân tổng kiểm tra…

Với đợt tổng kiểm tra kéo dài một tháng, có thể xem nghị định 100 mới bước vào cuộc sống, dù có hiệu lực từ 1-1-2020. Do vậy, cần phải tìm kênh truyền tải để mọi người không bỡ ngỡ khi bị phạt.

Cũng có ý kiến cho rằng cứ phạt nghiêm, thuốc đắng dã tật, tin dữ lan nhanh, mọi người sẽ sợ mà điều chỉnh hành vi. Điều này có thể đúng với các lỗi như uống rượu bia vẫn lái xe. Còn các lỗi khác, chẳng hạn như không có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc với xe máy, lỗi có liên quan đến hạ tầng kém… bị phạt nhưng chưa hẳn ai cũng "tâm phục khẩu phục".

Nghị định 100 đi vào cuộc sống, đó sẽ là "cuộc cách mạng về đi đứng" của người Việt. Vì thế không thể trông vào đợt tổng kiểm tra trong một tháng. Còn phải làm nhiều việc, rất lâu mới đưa việc đi đứng vào nề nếp.

Muốn vậy, cần làm cho mọi người hiểu việc được làm, không được làm khi ra đường, thường gọi là tuyên truyền pháp luật. Làm tốt điều này, "cuộc cách mạng về đi đứng" sớm thành công. Ngược lại, sẽ cần nhiều cuộc tổng kiểm tra và nhiều người bỡ ngỡ khi bị… phạt!

Theo PHÚC NGUYÊN (TTO)

Có thể bạn quan tâm