Thời sự - Bình luận

Để 35.000 tỉ đồng ở lại túi người dân khi giảm thuế VAT

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết đề xuất Quốc hội quyết định về việc giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng).
Giảm thuế VAT đúng thời điểm là mũi tên trúng nhiều đích. Ảnh: Hải Nguyễn

Giảm thuế VAT đúng thời điểm là mũi tên trúng nhiều đích. Ảnh: Hải Nguyễn

Tờ trình của Bộ Tài chính trước đó cũng đã được Chính phủ đồng ý về phương án giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với việc giảm thuế VAT năm 2022 - vốn tạo ra khá nhiều khó khăn cho cả cơ quan thuế, doanh nghiệp, người dân khi xác định mặt hàng thuộc diện giảm thuế.

Đã có ý kiến cho rằng, mức giảm 2% như năm ngoái chưa tác động tích cực nhiều, cần giảm sâu hơn, ở mức 5% và tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã tính toán khả năng cân đối nguồn tiền cả ngắn hạn và dài hạn.

Nguồn thu ngân sách 4 tháng đầu năm vừa công bố ước đạt 645,4 nghìn tỉ đồng, tuy giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đạt 40% dự toán năm. Điều này cho thấy, bức tranh thu ngân sách năm nay hứa hẹn nhiều điểm sáng.

Ngân sách nhà nước sẽ hụt thu 35.000 tỉ đồng nếu giảm 2% VAT trong 6 tháng cuối năm 2023. Về lý thuyết thì 35.000 tỉ đồng ấy được hiểu là “tặng” cho người tiêu dùng.

Từ ngày 1.7.2023, Ngân sách nhà nước cũng sẽ phải chi thêm hai khoản lớn là khoảng 60.000 tỉ đồng tăng lương cơ sở và 15.000 tỉ đồng khi tăng trợ cấp, lương hưu.

Nghĩa là Ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 7-8% tổng thu cả năm để tăng lương, trợ cấp và kích thích tiêu dùng. Đó là con số rất lớn khẳng định sự chia sẻ của Nhà nước với người dân.

Tác động của việc giảm thuế VAT lần này được cho là mũi tên trúng nhiều đích. Với doanh nghiệp, khi được giảm thuế VAT đầu vào, người bán không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, qua đó nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Với người tiêu dùng, đây là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhất, chi phí chi tiêu cũng được trực tiếp giảm 2%.

Tác động thứ ba, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đó chính là góp phần kiềm chế giá cả leo thang và kiềm chế lạm phát.

Nếu được thông qua và thực hiện ngay trong đầu tháng 6.2023, nguy cơ giá cả tăng vọt trước kỳ tăng lương cơ sở (như thường diễn ra ở các kỳ tăng lương trước) theo kiểu “tát nước theo mưa” sẽ giảm đáng kể, tạo sự ổn định về kinh tế, xã hội.

Chính vì thế, Chính phủ cũng nhấn mạnh vào tính thời điểm và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5.2023.

Khi chính sách có hiệu lực và phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường việc tổ chức thực hiện và đặc biệt tiến hành kiểm soát giá cả, đảm bảo cung - cầu hàng hoá. Bởi, nếu giảm thuế VAT nhưng giá cả tăng mạnh thì việc giảm thuế vô nghĩa.

Chỉ có thế, khoản tiền 35.000 tỉ đồng mới ở lại túi dân.

Có thể bạn quan tâm