Đấu tranh, kỷ luật để kịp thời cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên biết cách giữ mình trong “nẻo chính đường ngay”.
Chỉ hơn nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, cho thôi chức. Cùng với đó, nhiều ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị kỷ luật cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, một số bị khởi tố ra trước pháp luật cho thấy chưa bao giờ số cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật nhiều như khóa này.
Ngoài nguyên nhân cán bộ không giữ được mình, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật nhiều hơn các khóa trước thì kết quả ấy đã phản ánh thực tế là công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong khóa XIII được thực hiện quyết liệt và nghiêm minh hơn, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Việc khuyến khích cán bộ lãnh đạo cấp cao xin từ chức khi không còn uy tín; kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật, năng lực hạn chế... đã tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Năm qua, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức Đảng và đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022); Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; 9 cán bộ diện Trung ương quản lý được cho thôi chức, nghỉ công tác, bố trí công tác khác. Các địa phương cũng cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác hơn 360 trường hợp sau khi bị xử lý kỷ luật.
Điểm nổi bật là nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp, cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, cả trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, những vụ việc tồn đọng, kéo dài đã được xử lý. Điển hình như vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty Việt Á, chuyến bay giải cứu, Công ty Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB; các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm; Công ty AIC.
Mới đây nhất là vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan cho thấy mặt trận phòng-chống tham nhũng, tiêu cực luôn là mũi tiến công trực diện, hiệu quả nhất để loại ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị những thành phần thoái hóa biến chất để làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh hơn.
Chúng ta thật sự đau lòng khi thấy một số người từng là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng đã “không giữ được mình”, bị kỷ luật Đảng, bị truy tố trước pháp luật. Tinh thần đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã thấm từ trung ương đến địa phương, hạn chế dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, khi các tỉnh, thành cũng tích cực vào cuộc.
Sau mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ngay cả người vi phạm cũng nhận thấy là đúng người, đúng tội, nhưng cũng rất nhân văn trên tinh thần “xây để chống, chống để xây”, các quyết định đưa ra đều chặt chẽ, bài bản, nghiêm minh song không hà khắc.
Đó là lý do vì sao không thấy trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tổ chức Đảng bị xử lý, kỷ luật nào khiếu nại. Trái lại, nhiều người bị kỷ luật, khởi tố, điều tra đưa ra xét xử đã thành tâm xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhân dân vì thấy mình đã phụ tấm chân tình mà Đảng, Nhân dân tin tưởng giao phó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào “vết xe đổ”, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm và làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái”.
Cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, những vụ án trọng điểm sẽ tiếp tục được điều tra, xử lý thận trọng, khách quan, kiên quyết; quy trình xử lý cán bộ sai phạm chặt chẽ, từ kỷ luật Đảng, đến xử lý về chính quyền và điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được xác định là cách tốt nhất để phát hiện, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, để những ai đã “nhúng chàm” còn kịp nhận ra lỗi lầm của mình, trở về với “nẻo chính đường ngay”.