Thời sự - Bình luận

Đề cao danh dự và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Quy định có những tiêu chí rất cụ thể nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần yêu nước, tôn trọng Nhân dân, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; có bản lĩnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hội nhập; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình; trọng danh dự, không cơ hội, biết giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên.

Có thể thấy, Quy định số 144-QĐ/TW đã kế thừa giá trị cơ bản nhất từ các quy định trước đây của Đảng về những phẩm chất mà người đảng viên, nhất là đảng viên nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị cần có. Những điều ấy đã và đang trở thành “cây thước thợ” cho mọi hành động, việc làm của mỗi người, từ khi giơ nắm tay thề trở thành đảng viên.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Ảnh: Internet

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện tại với những tác động tiêu cực của cuộc sống đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà con số hàng trăm cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về tính nêu gương, thậm chí là vi phạm pháp luật phải bị truy tố… thời gian qua cho thấy, hơn lúc nào hết, cần phải yêu cầu cao hơn nữa tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; cần đề cao tinh thần trọng danh dự, trách nhiệm lên trên hết. Ai không thực hiện được những quy định ấy hoặc một khi thấy mình không xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhân dân vì những hạn chế về trình độ năng lực, vì thoái hóa biến chất, sa ngã, xa rời mục tiêu lý tưởng, không giữ được phẩm hạnh của người cán bộ, đảng viên, không còn đủ uy tín với Nhân dân thì nên chủ động rời vị trí.

Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu “Cán bộ, đảng viên nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần khẳng định “danh dự là điều thiêng liêng nhất” đó thôi!

Từ cách đặt vấn đề tại Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đến Quy định số 144-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã tiến thêm một bước mang tính “mở đường” cho văn hóa từ chức trong Đảng và trong hệ thống chính trị của đất nước. Đã đến lúc cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong việc hình thành “văn hóa từ chức”, để từ chức là một việc làm bình thường trong đời sống chính trị, theo quan điểm nhất quán của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “có lên có xuống, có ra có vào”. Lên cũng vì Đảng, vì dân, mà xuống cũng là vì Đảng, vì dân. Bởi lẽ, cán bộ một khi đã vướng vào tham nhũng, lệch lạc về tư tưởng, sa sút về phẩm hạnh, không còn giữ được sự tôn trọng, uy nghiêm trong mắt người dân, nếu cứ tham quyền cố vị thì chỉ là tảng đá cản đường, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà thôi.

Chúng ta đang phải trải qua những xáo trộn không mong muốn về một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước do một số cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng. Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng.

Bằng Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đặc biệt là yêu cầu thực hiện văn hóa từ chức khi cán bộ, đảng viên không còn đủ năng lực, uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ta, Nhân dân ta kỳ vọng vấn đề từ chức sẽ thực sự trở thành một lối hành xử bình thường, một nét đẹp văn hóa của người làm lãnh đạo, chứ không chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt mà tổ chức phải động viên “xin thôi”!

Xưa nay, từ chức đúng lúc là cách thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của đạo làm quan. Với cán bộ, đảng viên cũng vậy. Đó là cách để Đảng ta trong sạch hơn; cơ quan, tổ chức ta mạnh hơn, phục vụ đất nước, Nhân dân hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm