Để cho con ngồi ghế giảng đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để cho con ngồi ghế giảng đường, nhiều bậc cha mẹ đã phải lam lũ đời mình trên bước đường mưu sinh, cóp nhặt đồng tiền thấm đẫm mồ hôi thực hiện triết lý nhân sinh mộc mạc: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Tình cờ tôi gặp lại Thành, bạn cùng lớp thời THPT ở một huyện thuần nông tỉnh Bình Định với lỉnh kỉnh những móc khóa, kính râm, đồng hồ điện tử đeo tay… gắn trên một tấm bảng phooc-mi-ca hình chữ nhật đeo quàng trước ngực rảo bước trên đường phố rưng rứt nắng vàng, gió bụi. Chiếc mũ vải không che nổi khuôn mặt đen đúa, xương xẩu chàng học sinh một thời hồn nhiên, nhanh nhẹn. Ái ngại không muốn nhận người quen, Thành ậm ự xác nhận danh tính. Trước sự chân tình của tôi, bạn tôi trần tình: “Tan trường, mình đi bộ đội sang chiến trường K. Hết hạn về lại quê nhà làm ruộng rồi lấy vợ sinh con. Tháng ngày trôi vèo, làm ăn chẳng có gì dư dụm.

Ảnh: Đình Phê
Mới đây, cháu thứ hai lại tiếp tục vào đại học, đồng lương giáo viên tiểu học của vợ không đủ trang trải, mình lại không còn đủ sức khỏe với nghề hồ sau một lần ngã giàn giáo, tranh thủ lúc nông nhàn theo mấy chị hàng xóm bán dạo “tạp hóa” kiểu này. Ngày đẹp trời cũng kiếm được chừng trăm ngàn đồng phụ vào nuôi con”.

Khi hỏi về trường các cháu đang theo học, như chạm vào niềm vui sướng, tự hào bạn tôi trở nên linh hoạt: “Nghiệm cho cùng, mình vất vả vì học hành không đến nơi đến chốn. Cảm thấu được điều đó, các con mình rất chăm chỉ, ngoan ngoãn. Cô con gái đầu đang học năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế, đứa út năm nhất Đại học Y khoa đều ở thành phố Hồ Chí Minh cả. Dù rất tằn tiện, mỗi tháng cũng hết 5 triệu đồng mới trụ được ghế giảng đường. Cháu lớn vì đã “quen nước, quen cái” có đi làm thêm tự lo chi phí học các lớp Ngoại ngữ, Tin học cho nhu cầu tương lai”. Tôi mừng cho sự trưởng thành của con cái bạn và lòng vừa thán phục, vừa ái ngại xót xa khi nhìn theo bóng bạn khuất dần trong phố xá đông đúc.

Tôi quen chị Hà bán trái cây dạo sau mấy lần ghé nhà. Người phụ nữ tuổi chừng ngoài bốn mươi, nhỏ nhắn có gương mặt đẹp, đôi mắt buồn ánh nhìn len lén, khẽ khàng kể tôi nghe về gia cảnh: “Em góa bụa từ khi cháu chào đời hơn một năm tuổi. Tai nạn giao thông đã cướp mất anh. Và em ở vậy nuôi con cho đến bây giờ. Nghề may ở quê (huyện Đức phổ, Quảng Ngãi) hồi ấy cũng giúp hai mẹ con đắp đổi qua ngày, nhưng gần đây hàng hiệu, hàng may sẵn, đồ xổ đã ngập về đến tận chợ quê nên nghề chẳng còn ra nghề nữa. Với hai sào ruộng, con heo, con gà, luống rau… cuộc sống dân quê cũng chỉ dừng ở đó! Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm ngoái cháu trúng tuyển.

Cầm giấy báo nhập học vào Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Tiếng Anh của con mà em bần thần suốt mấy ngày vừa mừng, vừa lo, biết lấy gì nuôi con đi học. Cháu cũng ái ngại có ý định không đến trường nhưng được họ hàng nội ngoại động viên, chung góp được hơn ba triệu đồng làm hành trang cho cháu ngày nhập học. Khó khăn bước đầu qua đi, còn đang loay hoay thì may mắn có người em họ là công chức nhà nước ở TP. Pleiku (Gia Lai) sinh con đầu lòng, nhờ em lên trông nom, giúp việc nhà. Bù lại, cậu mợ lo chi phí ăn ở học hành của cháu. Đến khi thằng bé lớn, cậu mợ cho giúp vốn để tôi sắm giỏ trái cây bán dạo. Thật là may phúc, chi phí học hành của con cơ bản em đã tự lo được”!

Mong sao thời sinh viên các em đầy niềm vui, không ngừng khát khao vươn lên trong hành trình đi tìm tri thức để nỗi vất vả kia là những mảnh ghép tuyệt vời cho cuộc đời đầy ắp yêu thương…

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm