Thế nào là cư xử tử tế, văn minh trên không gian mạng… đã được các bạn trẻ nêu ra, khi chính họ - những người được cho là đối tượng trong cuộc, vì thời gian mỗi ngày "ôm" mạng xã hội (MXH) có khi nhiều hơn "đời thực", đã lên tiếng, kêu gọi sửa lại hành vi ứng xử không đẹp.
Một thí sinh ở TP.HCM đã trả lời một cách dứt khoát và không khoan nhượng trước tình huống livestream bán hàng bất ổn, bất chấp trên MXH. Theo thí sinh này, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng các ứng dụng MXH là một xu thế không thể thay đổi được. Vấn đề đặt ra là cần phải làm cho các "trend" (khuynh hướng) trên không gian mạng theo xu hướng tích cực, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp, chất lượng hơn. Mỗi người cần nhìn cuộc sống bằng "màu hồng", thì tất yếu "màu xám" sẽ dần tan biến. Và cũng chính thí sinh này kêu gọi mỗi thanh niên cần quan tâm đến các cơ sở pháp lý để giữ gìn không gian mạng an toàn. Điều quan trọng, người trẻ cần ý thức rằng tham gia không gian mạng là tích lũy, phát triển và sáng tạo nên những giá trị mới, chứ không phải để tạo ra những thứ… khác người.
Hay như chàng trai đến từ TP.Đà Nẵng đã mạnh dạn mượn diễn đàn của hội thi để đánh động đến mỗi người trẻ về ý thức sử dụng MXH. Chàng trai lập luận sắc sảo khi cho rằng sự "chuyển hóa" thế hệ trẻ trên không gian mạng là phương thức xâm lược giấu mặt của bộ phận đặc thù, là thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm. Nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng và như vậy các thế lực xấu có thể đạt được mục đích, chiến thắng mà không cần chiến tranh. Cũng theo chàng trai này, người trẻ cần học nhiều hơn nữa để có được kiến thức, kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ trên không gian mạng.
Thực trạng ứng xử thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm trên MXH vẫn diễn ra. Một số người thiếu ý thức trong việc sử dụng ngôn từ, đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, hoặc có những hành vi kích động, gây thù hận, bạo lực. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường mạng, làm mất đi sự lành mạnh, tích cực của không gian mạng, đồng thời gây tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ.
Góc nhìn của hai thí sinh nói trên cho thấy hiện rất nhiều người trẻ đã chủ động nói không với sự thiếu văn minh trên không gian mạng. Nó cũng cho thấy ứng xử văn minh để giữ môi trường MXH an toàn là câu chuyện phải được nhắc đến, giáo dục mỗi ngày. Và khi mỗi "người trong cuộc" đều nhận ra được cơ hội lẫn những thách thức, sẽ không chỉ tự trang bị cho mình lớp bảo vệ vững chắc, mà còn lan tỏa hiệu quả nhất đến với người thân, bạn bè đang sống với MXH từng giây khắc.