Thời sự - Bình luận

Để không như “chiếc áo rách” khi đưa y, bác sĩ trẻ về thôn, bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vấn đề đưa bác sĩ trẻ tăng cường cho tuyến xã gây nhiều tranh luận. Điều quan tâm là làm sao để không như “một chiếc áo bị rách, thay vì lấy vải để vá lại thì chúng ta lại đang khoét một lỗ khác để đắp lên” như cách nói của một đại biểu Quốc Hội. Trong quá khứ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) đã thực hiện thành công công cuộc này, khi hàng trăm y, bác sĩ trẻ được tăng cường về công tác ở vùng sâu, vùng xa và làm nền tảng ổn định cho hoạt động y tế miền núi hiện nay.
Cán bộ y, bác sĩ trẻ về tuyến xã, phường không chỉ "chia lửa" cho tuyến trên mà rất cần cho công tác y học dự phòng tuyến cơ sở. Ảnh Hương Giang

Cán bộ y, bác sĩ trẻ về tuyến xã, phường không chỉ "chia lửa" cho tuyến trên mà rất cần cho công tác y học dự phòng tuyến cơ sở. Ảnh Hương Giang

Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa 300 bác sĩ trẻ mới ra trường về cơ sở, cụ thể là tuyến xã phường. Đánh giá sự kiện này, ngành y tế nhận định đây là nét mới trong nỗ lực nâng chất lượng hoạt động trạm y tế, vốn là điểm yếu phát sinh nhiều hệ lụy của hệ thống y tế bấy lâu nay.

Không chỉ là "gánh vác", "chia lửa", mà mô hình này thành công có thể là giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm vấn nạn quá tải trong hệ thống điều trị, thậm chí tạo thói quen chữa trị bệnh từ phường xã, thay vì chỉ nghĩ đến bệnh viện.

Trả lời báo Lao Động, một đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Y của đoàn TPHCM nhận định: “Việc bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thì rất khó, chẳng có cơ hội học tập gì để tiến lên cả, ít có người đến khám. Điều này giống như một chiếc áo bị rách, thay vì lấy vải để vá lại thì chúng ta lại đang khoét một lỗ khác để đắp lên. Làm như thế cuối cùng đều hở ra hết”.

Không phải bây giờ, mà trong quá khứ không lâu, nhận định của đại biểu nói trên cũng là điều lo nghĩ của giới chuyên môn y khoa, khi buộc một bác sĩ đa khoa học 6 năm phải về trạm y tế. Thậm chí có vẻ bất công, làm mòn ý chí của họ, dẫn đến thiếu cả nhân lực ở tuyến bệnh viện.

Từ những năm 80 thế kỷ trước, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng cũng đã thực hiện cuộc “cách mạng” như vậy đối với y, bác sĩ mới ra trường, với Nghị quyết (NQ) 25 của Tỉnh uỷ, tăng cường cán bộ trẻ cho các huyện miền núi; vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Hàng trăm y, bác sĩ khăn gói ngay, đến các bệnh viện tuyến huyện, xã trung du, miền núi khi vừa nhận bằng tốt nghiệp, với thời hạn công tác được ấn định từ 2 đến 3 năm.

Cùng với hàng loạt cán bộ trẻ trong ngành y tế, thì NQ 25 cũng chỉ định sinh viên tốt nghiệp các ngành khác cũng ưu tiên nhận nhiệm sở ở các địa bàn xa thành phố đang rất cần nhân lực có tri thức này.

Lúc này hàng trăm cán bộ trẻ, trong đó có ngành y tế được tập trung tại Thành phố Hội An để được học về phong tục, tập quán nhân dân vùng họ được cử đến; đặc biệt vùng đồng bào các dân tộc, thậm chí hành trang họ mang theo còn có những chiếc màn tuyn tẩm thuốc ngừa muỗi ba số 6, và một liều phòng 2 để phòng chống sốt rét.

Chính nhờ chính sách này, một hệ thống y học dự phòng, khám chữa bệnh của các xã, phường của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng hình thành rộng khắp, hiệu quả; trong đó đóng vai trò đẩy lùi các tập tục lạc hậu, cúng bái mê tín dị đoan, vốn phát triển mạnh ở vùng sâu, vùng xa, khi thiếu vắng ngành y tế.

Gần như lớp cán bộ trẻ này hào hứng lên đường với hành trang nhẹ tênh khi chưa có gia đình riêng, chưa có nhiều ràng buộc trong cuộc sống cùng với những đãi ngộ tương xứng như, phụ cấp, nơi ăn chốn ở và nhiệm sở ưu tiên sau 2-3 năm công tác vùng sâu vùng xa.

Việc đưa bác sĩ về trạm y tế, đặc biệt là vùng cao tuy rằng họ sẽ gặp khó khăn, nhưng sức trẻ, hầu hết đã vượt qua, và những địa bàn khó khăn như vậy đã làm họ trưởng thành lên nhiều sau 2-3 năm công tác.

Điều lớn nhất, với NQ 25 của Tỉnh uỷ Quảng Nam Đà Nẵng từ những năm 80 của thế kỷ trước, giúp hệ thống y tế địa bàn trung du, miền núi Quảng Nam hiện nay khá ổn định và chia lửa không ít cho tuyến tỉnh, đặc biệt tỏ ra hiệu quả với công tác y học dự phòng.

Việc TP.HCM đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về cơ sở thực hành, chính là đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Thay vì dành trọn 18 tháng thực hành tại bệnh viện, các bác sĩ mới ra trường sẽ thực hành 12 tháng tại các trạm y tế là một quyết định cần thiết và đúng đắn.

Tất nhiên xung quanh chủ trương này vẫn còn nhiều băn khoăn như trang thiết bị máy móc, thuốc men cho thực hành còn thiếu thốn hoặc ngay như việc các bác sĩ mới ra trường còn non kinh nghiệm… nhưng với sức trẻ, tin rằng họ sẽ có cách để giải quyết vấn đề. Xin hãy cho những y, bác sĩ trẻ một cơ hội thử thách!

Có thể bạn quan tâm