Thời sự - Bình luận

Để lao động phi chính thức trở nên... chính thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa có thống kê cụ thể, toàn diện về lao động không chính thức (không có hợp đồng lao động) ở TP.HCM.

Tuy nhiên, thực tế nơi thành phố năng động nhất nước này có vô số công việc mới được hình thành, số lượng lao động phi chính thức, chưa kể là lao động trên nền tảng chia sẻ (công nghệ) làm việc dưới dạng “hợp đồng dịch vụ” hoặc đối tác... ngày càng tăng. Tầng lớp này vẫn đang đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.

Đáng lưu ý, theo nhiều chuyên gia, sẽ rất khó “chặn” được sự dịch chuyển đó, một mặt vì người lao động ngày càng thích tự chủ, linh hoạt, ít áp lực, không cần bằng cấp... Hai là vì các công ty, đơn vị thấy được lợi nhuận hơn khi tận dụng nguồn lao động giá rẻ mà lại bớt thủ tục phiền hà.

 

Lao động phi chính thức thiếu hầu hết các chiều an sinh xã hội. Ảnh: Bích Ngân
Lao động phi chính thức thiếu hầu hết các chiều an sinh xã hội. Ảnh: Bích Ngân


Tuy nhiên, sánh cùng với xu hướng này là những thách thức lớn, phần vì thu nhập của lao động phi chính thức bấp bênh, phần vì đời sống không đảm bảo do thiếu hầu hết các chiều an sinh xã hội như chế độ về ốm đau, tử tuất, nghỉ hưu, bảo hiểm thất nghiệp, cơ hội việc làm tương lai...

Dễ thấy nhất thách thức này chính là khi dịch Covid-19 xảy ra, chỉ một số nhóm ngành nghề tự do được gói hỗ trợ đợt 1 phủ tới, trong khi nhiều nghề khác như giáo viên tự do; người nấu ăn ở các trường học, công ty nhỏ; may gia công tại các cơ sở tư nhân... rơi vào thế giữa vì không có hợp đồng lao động nhưng cũng không phải hoàn toàn tự làm do được một cơ sở thuê hẳn hoi.

Trong bài viết Trở lại mưu sinh: Sẽ phải làm gì để không ai bị bỏ rơi? trên Thanh Niên, các chuyên gia đưa ra những đề xuất xác đáng: TP.HCM cần phải thay đổi cách nhìn về lao động phi chính thức, đồng thời hình thành hạ tầng dữ liệu an sinh xã hội cho nhóm này để thông qua đó có những gói bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ khẩn cấp... cho họ.

Gấp rút xây dựng mã số an sinh xã hội là một giải pháp hay, nó không những “chính thức hóa” lao động phi chính thức, mà còn thể hiện được sự công nhận về mặt pháp lý, sự trân trọng và trách nhiệm của chính quyền đối với sự đóng góp của nhóm này với sự phát triển đô thị.

Theo PHẠM THU NGÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm