Đề thi dài, thí sinh khó đạt điểm cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kết thúc môn thi Địa lý sáng nay, các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã hoàn thành một nửa chặng đường của hành trình “vượt vũ môn”.

Đề thi dài, điểm thi không cao

Sáng nay, các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tiếp tục bước vào môn thi thứ ba-Địa lý. Đề thi môn Địa lý năm nay gồm 4 câu, trong đó có 3 câu bắt buộc và 1 câu tự chọn dành cho thí sinh học theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi Địa lý năm nay khá dài, có tính mở và độ phân hóa cao. Nhìn chung, thí sinh khó được điểm cao ở môn thi thứ 3.
 

Những thí sinh đầu tiên rời phòng thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu. Ảnh: Hồng Thi

Các thí sinh rời khỏi phòng thi với những tâm trạng khác nhau: vui, buồn, căng thẳng, lo lắng… Nhận xét về đề thi năm nay, nhiều thí sinh cho rằng đề thi không quá khó nhưng nghiêng về phân tích và suy luận, đòi hỏi học sinh không những phải nắm chắc chương trình học trong sách giáo khoa mà còn phải am hiểu các vấn đề ngoài xã hội mới có thể đạt điểm cao.

Em Trần Cao Hữu-học sinh lớp 12C9-Trường THPT Nguyễn Chí Thanh-cho hay: “Em làm được khoảng 70% ở môn thi này, bởi câu 2 hơi khó, đòi hỏi tụi em phải tự hiểu và phân tích”.
 

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Địa Lý tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Ảnh: Trần Dung

Đề thi năm nay cơ cấu nặng về lý thuyết, ít thực hành hơn so với mọi năm khiến nhiều thí sinh khá chật vật và bất ngờ. Em Văn Thị Minh Hậu-lớp 12C4A-Trường THPT Chuyên Hùng Vương-nhận xét: “Mọi năm, chỉ cần làm tốt câu hỏi vận dụng Atlat tụi em đã có được 5 điểm, còn theo thang điểm năm nay còn 2 điểm thôi. Em làm hết đề nhưng chắc cũng không đạt được mức điểm ưng ý”. Em Trần Thị Yến Nhi (học sinh lớp 12A4-Trường THPT Pleiku) cũng cho biết: “Em làm chưa hết bài thi, còn một ý trong câu 1 vì không kịp thời gian. Dự kiến chỉ đạt 6 đến 7 điểm”.
 

1 thí sinh bị đình chỉ thi

Tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương, thí sinh L. (học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) bị đình chỉ thi sau khi sử dụng điện thoại di động để lên mạng internet, tải tài liệu về làm bài. Ở môn thi sáng nay, toàn tỉnh có 40 thí sinh vắng mặt, trong đó có 18 thí sinh ở hệ THPT và 22 thí sinh ở hệ GDTX.

Các thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) cũng lộ rõ vẻ lo âu, căng thẳng ngay sau khi rời khỏi phòng thi, kết thúc môn thi thứ 3. Dù trống đã điểm hết giờ làm bài nhưng phần đông thí sinh vẫn tập trung giữa sân trường để thảo luận về bài làm. Nếu ngày thi đầu tiên các thí sinh “vượt ải” một cách dễ dàng thì với môn thi Địa lý, các thí sinh gặp không ít khó khăn. Rất nhiều bạn lộ vẻ mặt nhăn nhó.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku), kết thúc môn thi thứ 3, các thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng. Đa số các em đều chia sẻ chỉ làm bài đạt mức trung bình, một số em khá lơ mơ về phần thi của mình khi đề thi cần lượng kiến thức thực tế về thời sự trong nước.
 

Các thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Lợi rời phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Ảnh: Nguyễn Giác

Cùng chung tâm trạng, các thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) cho rằng đề thi năm nay khó, dài và mở rộng. Em Đinh Thị Gin-Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập, cho biết: “Đề thi khó và dài, em làm hết thời gian mà vẫn chưa xong bài thi, bởi đề thi có mấy câu dài mà phải giải thích, chứng minh tại sao... Em thấy trong phòng nhiều bạn cũng không làm bài hết. Với đề này chắc em chỉ làm được khoảng 5 điểm”.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện), em Siu Hiểu (học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt), cho biết: “Với đề thi môn Địa lý em làm được khoảng 70%”. Còn theo em Phạm Ngọc Chương, cùng Hội đồng thi trên thì: “Em gặp khó bởi câu 2, cụ thể là câu hỏi “Hoạt động xuất khẩu của nước ta có những chuyển biến như thế nào trong thời kỳ đổi mới”.
 

Ảnh: Lê Nam


Đề thi đề cập vấn đề biển đảo

Ở phần 1 trong câu hỏi thứ 3 phần thi bắt buộc có đề cập tới một vấn đề thời sự khá “nóng hổi” hiện nay: Chủ đề biển đảo. Nội dung câu hỏi như sau: “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo có ý nghĩa như thế nào?”.
 

Các thí sinh tham gia dự thi tại Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa

Đây là câu hỏi làm khó khá nhiều thí sinh, bởi rất nhiều em chỉ lo ôn luyện kiến thức trong sách giáo khoa mà ít quan tâm tới các vấn đề thời sự trên các phương tiện truyền thông nên rất khó đi sâu trong câu hỏi này. “Em sợ không phân tích được sâu câu hỏi này vì kiến thức thực tế vấn đề này em nắm không chắc lắm. Hơn nữa em lại theo khối A1 nên môn Địa lý không phải là môn em tập trung ôn luyện quá nhiều như các môn khác”-em Huỳnh Tiến Phi-học sinh lớp 12A11-Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku), bộc bạch.

Tuy nhiên, nhiều em lại khá hứng thú với câu hỏi vừa mang tính thời sự, vừa có tính thực tiễn cao này. Em Văn Thị Minh Hậu-lớp 12C4A-Trường THPT Chuyên Hùng Vương, lại cho biết: “Vì em cũng hay theo dõi trên báo, đài các thông tin về tình hình biển Đông hiện nay nên em hoàn thành khá ưng ý câu hỏi này”.
                                    

* Hiện đang là chiến sỹ huấn luyện tại Trung đoàn bộ binh tỉnh Gia Lai với mong muốn hoàn thành bậc học phổ thông, đến kỳ thi tốt nghiệp năm 2013, chiến sỹ Kpãh Ri (xã Ia Kđăm, huyện Ia Pa) đăng ký làm thí sinh tự do tham gia thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa).

* Tại Hội đồng thi Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện), thí sinh Quang Thị Tiến (dân tộc Tày) bị sốt phải điều trị tại Bệnh viện huyện Phú Thiện, không thể tham dự môn Ngữ văn buổi thi đầu tiên nhưng em vẫn cố gắng đến tham dự môn thi Hóa học, chiều ngày 2-6 và ngày thứ hai 3-6. Em cho hay, sẽ cố gắng ở đạt điểm cao ở tất cả các môn còn lại, hy vọng sẽ được xét đặc cách cho môn Ngữ văn sau kỳ thi.

Nhóm P.V GLO

Có thể bạn quan tâm