Thời sự - Bình luận

Để trẻ em được sống trọn tuổi thơ hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều chương trình, biện pháp từ việc truyền thông thay đổi hành vi đến xử lý nghiêm khắc theo pháp luật nhưng số vụ bạo hành trẻ em liên tục gia tăng trong những năm qua. Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022 được phát động với thông điệp kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, cùng lên tiếng để phòng-chống xâm hại, bạo lực trẻ em, hãy cho trẻ em được sống trọn tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của mình trong một không gian không áp lực.
 

5 năm qua, số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực liên tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Bộ Công an cho biết: Trong 2 năm 2020-2021, mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết hại trẻ em với 120 cháu bé trở thành nạn nhân. Đây cũng là một trong những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm, gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với mong muốn Nhà nước có biện pháp mạnh tay hơn, ngăn chặn các hành vi bạo lực trẻ em.  

Ảnh: Đức Thụy
Nhà trường, xã hội cần dành nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa những gì tốt nhất cho trẻ em. Ảnh: Đức Thụy


Hẳn nhiều người chưa quên vụ bé gái 3 tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) tử vong do bị người tình của mẹ nhiều lần hành hạ và đóng đinh vào đầu. Hay vụ bé gái 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh tử vong sau nhiều trận đòn của mẹ kế và sự vô tâm của cha đẻ.

Có nhiều hình thức xâm hại trẻ em như bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, mua bán, bỏ rơi. Các nghiên cứu cho thấy có 73% trẻ em đã chịu kỷ luật, bạo lực và xâm hại trong thời gian dịch Covid-19.

Không chỉ trẻ em lang thang cơ nhỡ, thiếu người thân chăm sóc bị bóc lột sức lao động, bị bạo hành, xâm hại thân thể mà trên thực tế, có gần 80% số trẻ bị bạo hành diễn ra ngay trong gia đình và do chính cha, mẹ, người thân, người chăm sóc gây ra.

Còn một kiểu bạo hành trẻ em khác, núp bóng sự quan tâm, lo lắng cho tương lai con cái, nhưng kỳ thực, chỉ là tính sĩ diện của không ít bậc làm cha làm mẹ. Vì những kỳ vọng quá lớn cho gia đình mà họ đã đặt lên vai con mình áp lực về những thành tích, danh hiệu phải đạt được; họ bắt con phải học thật giỏi, phải luôn dẫn đầu các cuộc thi… để có cái mang ra so sánh với bạn bè.

Nhịp sống hiện đại làm cho nhiều người làm cha làm mẹ không có nhiều thời gian lắng nghe con trẻ nghĩ gì, muốn gì. Thay vào đó, họ chỉ lo kiếm thật nhiều tiền để tìm trường tốt, thầy cô giỏi cho con và ép con phải học thật nhiều; biến phần lớn tuổi thơ của con trẻ chỉ quẩn quanh trong các phòng học; từ lớp học chính khóa đến những lớp học thêm, học kèm…

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Câu nói đơn giản, dễ hiểu của Bác Hồ lúc sinh thời đã hàm chứa một triết lý giáo dục sâu sắc, nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc mang đến cho trẻ em một không gian học tập, vui chơi, phát triển lành mạnh, như chính tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của các em; như búp trên cành, đủ nắng sẽ nở thành hoa.

Không chỉ là người sinh thành, nuôi dưỡng, cha mẹ còn phải là nhà giáo dục đầu tiên, gần gũi, biết lắng nghe, chia sẻ với con từ những điều đơn giản nhất. Nhà trường, xã hội cần dành nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa những gì tốt nhất cho trẻ em, thay vì những lần phát động phong trào rầm rộ, rồi quên.   

Yêu trẻ đúng cách và tôn trọng tuổi thơ của trẻ bằng trí tuệ. Thay vì áp đặt suy nghĩ, ý muốn của mình, hãy là người quan sát, định hướng, dành cho trẻ một không gian tuổi thơ không áp lực, để các em được sống, học tập, vui chơi và phát triển nhân cách đúng với những gì hồn nhiên, trong sáng nhất của đời mình. Đó cũng chính là mục tiêu mà Tháng Hành động vì trẻ em năm nay kỳ vọng đặt ra khi kêu gọi toàn xã hội cùng lên tiếng và hành động phòng-chống xâm hại, bạo lực, chung tay bảo vệ trẻ em.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm