Đề văn bám sát chương trình, có độ phân hóa cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 25-6, 12.988 thí sinh của tỉnh Gia Lai đã bước vào môn thi Ngữ văn-môn thi tự luận duy nhất tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Đề văn năm nay được nhiều thí sinh và giáo viên cho rằng bám sát chương trình lớp 12, đảm bảo phần kiến thức cơ bản nhưng có độ phân hóa cao cho học sinh khá-giỏi khi lựa chọn tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường cho phần làm văn với 5 điểm.
Sau những ngày nắng nóng, buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thời tiết ở nhiều điểm thi tại Gia Lai trở nên mát mẻ, đôi lúc có những đợt mưa phùn. Điều này khiến phụ huynh và thí sinh cảm thấy thoải mái hơn. Ngồi ở quán nước đợi con trước điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông), chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Cháu nhà tôi học cũng khá. Cháu đã ôn tập kỹ lưỡng, dù vậy tôi vẫn cảm thấy rất lo. Tuy nhiên, tôi vẫn động viên cháu tập trung nghỉ ngơi, thoải mái đầu óc, tránh áp lực, căng thẳng để bước vào kỳ thi một cách tốt nhất. Hi vọng là cháu sẽ phát huy được hết khả năng của mình”.
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Ngữ Văn năm nay khá khó. Ảnh: Phương Linh
Kết thúc 120 phút làm bài, các thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng. Những thí sinh có học lực khá có thể làm bài được khoảng 60-70%. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9, 10 thì khó khăn. Thí sinh Nguyễn Ngọc Trúc Vy dự thi tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP.Pleiku) cho biết: “Ngữ văn là bộ môn em yêu thích và là một trong những môn học thế mạnh nên em đã đăng ký nguyện vọng ở khối C. Với đề văn năm nay, em rất thích phần nghị luận xã hội khi đề cập về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Phần phân tích tác phẩm văn học khó hơn đề thi năm trước vì tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một trong những tác phẩm khó của chương trình lớp 12. Tuy vậy, em vẫn tự tin sẽ đạt được điểm 7-8 môn thi này”. Còn em Lê Thị Hương Giang (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) dự thi tại điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Đak Đoa) cho biết: “Bên cạnh những yêu cầu của đề thi với độ phân hóa cao thì em thấy đề thi môn Ngữ văn có nhièu phần kiến thức sát với những gì mình đã được học, được ôn tập nên nếu nắm đủ kiến thức cơ bản của lớp 12 thì sẽ đạt được điểm trung bình”. 
Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa), 327 thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên khá thoải mái với số điểm dự đoán nằm ở mức 6-7 điểm. Thí sinh Kpă Chiến-học sinh lớp 12C (Trường THPT Lê Thánh Tông) cho biết: “Em làm được hết các câu hỏi của đề thi. Em thích phần đọc hiểu vì đòi hỏi thí sinh phải liên hệ kiến thức xã hội. Em dự đoán đạt khoảng 70% số điểm của bài thi và em cảm thấy hài lòng”. Còn em Trần Bích Hiền (tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) nói: “Môn Ngữ Văn không phải là thế mạnh của em, nên em chỉ ôn phần kiến thức cơ bản để tránh bị điểm liệt. Song sau khi đọc đề, em thấy đề không quá khó và có thể đạt được điểm 6.
Điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh
Tuy nhiên, với các thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên thì đề thi môn Ngữ Văn không hề “dễ thở”. Anh Kpui Tuy (tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Chư Prông) chia sẻ đây là lần thứ 5 tôi đi thi vì quyết tâm phải lấy được bằng tốt nghiệp THPT nhưng đề thi năm nay lại quá khó. Tôi chỉ làm được 30% thôi và hy vọng các môn sau sẽ làm tốt hơn”-anh Tuy buồn rầu chia sẻ. 
Trao đổi thêm về đề Ngữ văn năm nay với thầy Đặng Văn Du-Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn Trường THPT Pleiku được biết: “Nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ Văn lớp 12. Phần đọc hiểu khá hay, phát huy được năng lực tư duy, sáng tạo của thí sinh; tuy nhiên phần thi này khá khó đối với những học sinh có năng lực trung bình. Với phần làm văn nghị luận văn học, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” thuộc thể loại ký, với nhiều học sinh đây là một tác phẩm khó. Với đề này, thí sinh khó đạt được điểm cao nhưng cũng không dễ bị điểm dưới trung bình nếu các em chịu học bài”.
Các thí sinh trao đổi sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn. Ảnh: Phan Lài
Nhóm P.V

Có thể bạn quan tâm