Thời sự - Bình luận

Đề xuất của Bộ Nội vụ sẽ giảm phiền hà cho công chức, viên chức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ Nội vụ vừa đề xuất lên Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Hình ảnh công chức, viên chức đi thi chứng chỉ để đủ các điều kiện trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Ảnh cắt từ clip điều tra của Lao Động năm 2019.
Hình ảnh công chức, viên chức đi thi chứng chỉ để đủ các điều kiện trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Ảnh cắt từ clip điều tra của Lao Động năm 2019.


Cụ thể, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đây là một đề xuất rất “hợp lòng cán bộ” và phù hợp với hiện thực của xã hội, xu thế của thời đại. Trong đào tạo đại học, phải có những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ bắt buộc. Người tốt nghiệp đại học, đương nhiên phải thủ chắc các kiến thức đó. Còn không, thì chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam không tương xứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đưa ra yêu cầu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Mặt bằng kiến thức ngoại ngữ và tin học phải do hệ thống đại học xác lập và cung cấp, đó mới là học thật, thi thật.

Đối với người chuyên sâu hoặc cần trình độ cao hơn để phục vụ cho công việc thì họ học chuyên ngành hoặc tự đào tạo thêm. Vậy thì không hà cớ gì phải bắt buộc công chức, viên chức phải học và thi lấy bằng tin học, ngoại ngữ. Chính quy định này đã tạo ra nhiều tiêu cực, mua bán chứng chỉ.

Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cũng tương tự như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, không cần phải bày ra các loại yêu cầu bồi dưỡng khác, mất thì giờ và tốn kém cho xã hội.

Trên thực tế, có những cái gọi là bồi dưỡng nhưng rất hình thức, không đem đến ích lợi gì cho người được bồi dưỡng. Công chức, viên chức tiếp cận việc bồi dưỡng là đối phó, để có chứng chỉ, để đủ một “hồ sơ nhãn mác” cán bộ, không phải là nhu cầu học tập thực sự.

Về bồi dưỡng hay đào tạo, khi đặt người lao động vào vị trí công việc đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức mới đáp ứng được yêu cầu thì họ mới học. Bởi vì nếu không thì sẽ bị loại trừ, và lúc đó mới học thực, học để mà hành. Còn đi bồi dưỡng theo kiểu “đến hẹn lại lên”, tích lũy chứng chỉ bằng cấp theo “quy trình” thì không bao giờ có thực học.

Đừng nghĩ rằng, chỉ có người dân bị các thủ tục hành chính không phù hợp hành hạ, mà đội ngũ công chức, viên chức cũng bị các quy định gây phiền hà. Cho nên, tháo gỡ sự phiền hà cho người dân thì cũng phải tính đến tháo gỡ cho cán bộ công chức, viên chức.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-xuat-cua-bo-noi-vu-se-giam-phien-ha-cho-cong-chuc-vien-chuc-915732.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm