Thời sự - Bình luận

Đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng: Cần làm ngay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đừng nói nhiều nữa, hãy bắt tay hành động, và đưa ra chỉ tiêu cụ thể như đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới.
 
Trồng 1 tỉ cây xanh đã khó, giữ được rừng càng khó hơn.
Trong phần trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội sáng nay 10.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong nhiều giải pháp chống thiên tai, cần có một giải pháp trồng 1 tỉ cây xanh. Và tất nhiên, lời Thủ tướng luôn "nặng như núi", có nghĩa là bắt tay vào hành động.
Vấn đề là ở chỗ, làm cách nào để hiện thực hóa đề xuất của Thủ tướng và phải có hiệu quả. Cây xanh phải được trồng, bù vào những cánh rừng đã mất đi, phủ xanh lại những đồi trọc.
Và xin lưu ý, trồng cây xanh như một phần phục hồi rừng làm lá chắn chống lũ lụt, không phải trồng cây kiểng, không phải trồng cây làm kinh tế. Những rừng keo, rừng tràm, rừng cao su, rừng bạch đàn giúp cải thiện đời sống, nhưng không thể ngăn cản được những những lũ ống, lũ quét như rừng tự nhiên.
Trồng cây để phục hồi được diện tích rừng đã mất, đó mới là kế lâu dài. Cho nên, chiến lược và các giải pháp phải khác.
Đã đến lúc phát động một cuộc cách mạng về tái tạo rừng xanh với sự tham gia của toàn quân, toàn dân. Phải thấy rằng trồng rừng bây giờ là khẩn thiết, khẩn cấp như một hành động vệ quốc.
Chúng ta đang đối mặt với thiên tai, với những diễn biến ngày càng xấu và cực đoan của các loại mưa bão, thời tiết. Chúng ta phải chủ động để bảo vệ con người, tài sản bằng cách giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai.
Trồng cây, phục hồi rừng bây giờ là yêu nước. Ai cũng có thể nói rằng mình yêu nước, thì đây là lúc để thể hiện. Ai cũng thấy được trách nhiệm của mình và sẵn sàng hành động. Khi bão lũ xảy ra, muôn vạn cánh tay đưa lên để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại, thì muôn vạn cánh tay đó cần phải đưa lên hưởng ứng tham gia trồng cây xanh, phòng vẫn hơn khắc phục hậu quả.
Trồng 1 tỉ cây xanh đã khó, giữ cho chừng đó cây sống được, hình thành những cánh rừng khỏe mạnh để phát huy hiệu quả ngăn ngừa lũ lụt càng khó hơn.
Cùng với trồng rừng là bảo vệ rừng, là tuyệt đối không phá rừng, không để cho bất cứ một mét vuông rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ bị mất đi. Muốn như vậy, phải quét sạch bọn lâm tặc, phải quản lý rừng thật chặt để dân không phá rừng làm nương rẫy. Đặc biệt, tính toán kỹ lưỡng khi triển khai các dự án thủy điện nhỏ để không bị mất rừng.
LÊ THANH PHONG (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-xuat-trong-1-ti-cay-xanh-cua-thu-tuong-can-lam-ngay-853200.ldo

Có thể bạn quan tâm