Phóng sự - Ký sự

Đêm thời giãn cách của người vô gia cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày này, sau 18 giờ, thành phố vắng tanh. Chỉ còn đây đó dưới mái hiên, trên hành lang cầu, nơi bồn hoa giao lộ... là dáng ngồi, nằm co ro của những người vô gia cư.

Hơn một năm rưỡi nay, nắp cống giao lộ Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo là nhà của ông Đinh Văn Hùng, 61 tuổi. Ảnh: Lam Yên
Thành phố chìm trong im ắng, vắng lặng. Những con đường, hẻm nhỏ đèn tắt sớm. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe cứu thương chạy vụt qua cùng tiếng còi hụ...
Sài Gòn phải giãn cách trong tình cảnh dịch bệnh cực kỳ phức tạp, với người có nhà cửa đã khó, với người vô gia cư đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh thường nhật lại càng khổ trăm bề. Mơ ước tương lai đôi khi chỉ là một bữa ăn lót dạ hay một góc cầu, mái hiên để qua giấc.
“Biểu em làm gì cũng được”
Khoảng 20 giờ ngày 30.7, đang trong giờ không được ra đường, một phụ nữ vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe ve chai băng qua ngã sáu Nguyễn Tri Phương, Q.10.
“Sao giờ này chị chưa về nhà?”.
“Nhà trọ bên Q.8 bị căng dây phong tỏa hai tuần nay rồi, sao mà về được”, bà Nguyễn Thị Hậu (56 tuổi, quê TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) trả lời.
Con của bà Hậu: một người làm thợ hồ, một người 18 tuổi vừa đi học phổ thông vừa phụ bán cơm. Dịch tràn đến, cả hai thất nghiệp, kẹt cứng trong khu phong tỏa.

Chiếc xe đẩy ve chai là giường của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thành, 41 tuổi, quê Tiền Giang
Ở ngoài khu phong tỏa, về quê không được, về nhà trọ không xong, bà Hậu đành chọn kiếp sống lang thang, ngày lượm ve chai, tối kiếm hiên nhà nào đó ngủ. “Bây giờ mấy vựa thu mua ve chai cũng nghỉ gần hết. Bán được vài chục ngàn/ngày là mừng rồi. Mỗi sáng khoảng 9 giờ, ra Bệnh viện Chợ Rẫy người ta phát cơm từ thiện: hộp cơm, chai nước suối với ba gói mì. Chiều không ai cho cơm thì xin nước sôi nấu mì ăn cũng xong bữa”, bà Hậu tâm sự.
Gần nửa đêm, trên cầu Văn Thánh, một người lót đầu trên đôi dép nằm co ro ngủ mê mệt cạnh chiếc xe đạp chở đầy thùng giấy đã gấp gọn. Đó là ông Nguyễn Thanh Hoàng, 50 tuổi, quê Cà Mau. Mười mấy năm nay ông lang thang tỉnh này tỉnh nọ mưu sinh bằng nghề bán vé số. Từ khi giãn cách cấm bán vé số, ông chuyển sang lượm ve chai: “Vựa thu lại 4.000 đồng/kg giấy, ngày nào hên thì gom được chừng 20 - 30 kg”.
“Sao ngủ trên cầu vậy anh?”, tôi hỏi.
“Giờ không cho ra đường nên hơi khó nằm trong trung tâm, nên dạt ra đây nằm”.
Chỉ tay vào hộp cơm, gạo và vài bắp cải trên giỏ xe đạp, ông khoe: “Hồi nãy từ thiện cho đó. Mình bụi đời, đâu có nấu nướng gì được, nên từ thiện cho, cái gì ăn được thì ăn còn không mình bán, được vài chục ngàn cũng đỡ”.

Anh Vy Minh Cường, 39 tuổi, chỉ mong có được việc làm nuôi ăn, ở, không cần lương
“Sắp tới anh tính sao?”.
“Giờ cứ sống vầy thôi, khi nào hết giãn cách thì bán vé số lại. Tới đâu hay tới đó”.
Đi vòng lên Q.6, thấy anh Vy Minh Cường (39 tuổi, người gốc Hoa) đang nằm dưới hiên nhà trên đường Nguyễn Thị Nhỏ. Không mùng mền, chỉ có hai bao bố, một cái kê đầu, một cái để nhét chân vô nếu trời lạnh.
“Muỗi cắn không?”.
“Muỗi nó quen mùi mình rồi, hổng cắn nữa”.
“Anh còn nhiêu tiền?”.
“Không còn một cắc, em nói dóc trời bắn luôn”, nói rồi anh lộn hết túi trái, túi phải ra, không đồng nào.
“Lượm ve chai nhưng vựa không thâu nên cả tháng nay em vòng vòng ở đây người ta cho tiền, cho cơm. Tại cái dịch bệnh này nè, ai cũng hết tiền”, anh Cường thở dài.
Treo trên xe đạp là bao ni lông đựng hai gói mì, một cái áo, mấy cái khẩu trang. Giấy tờ chỉ còn đúng tờ khai sanh. Tôi gửi anh chút tiền và hỏi dự định sắp tới. Anh Cường nài nỉ: “Giờ em chỉ cần có việc làm, nuôi ăn nuôi ở, lương có thì tốt, không thì thôi. Biểu em làm gì cũng được. Em thường ngủ chỗ này, có việc gì làm anh tới đây kêu em nha. Nhớ kêu nha!”.

Bà Nguyễn Thị Hậu, 56 tuổi, phải lang thang vì khu nhà trọ bị phong tỏa
“Con muốn ăn thịt gà”
Càng về khuya muỗi càng nhiều, chị Nguyễn Thị Thành (41 tuổi, quê Tiền Giang) lồm cồm dậy, mò lấy chai kem chống muỗi đã cạn, đổ nước vào lắc lắc, xoa lên chân tay con gái. Hai mẹ con chị trước trọ trên khu Chợ Lớn, hai tháng nay giãn cách, không kiếm ra tiền nên “người ta bóp ổ khóa lại, hai mẹ con ra đường ngủ”. Cha bỏ đi từ khi mới sinh ra, bé Nhàn (con chị Thành) 12 tuổi nhưng không biết chữ vì từ nhỏ đã mải miết theo mẹ kiếm sống.
“Giường” của hai mẹ con là chiếc xe đẩy được người ta cho mượn để đi lượm ve chai. “Ngủ ngoài đường bị đuổi hoài hà, đuổi chỗ này mình chạy chỗ khác thôi. Hồi tết, hai mẹ con được người ta lì xì, gom lại mua được chiếc xe đẩy 1 triệu 2. Vừa rồi, em đi vô hẻm lượm, con bé ở ngoài nằm trên xe ngủ. Trời nóng nó xuống đất nằm nên bị ăn trộm kéo nguyên chiếc xe đi luôn, mang theo cả điện thoại, giấy chứng minh, giấy chứng sanh, và mấy trăm ngàn để dành. Giờ chỉ còn hai tờ giấy kiểm dịch (âm tính) hổm mấy ảnh mới bắt đi kiểm tra”, chị Thành kể.

Không có tiền thuê trọ, ông Nguyễn Thanh Hoàng, 50 tuổi, ra cầu Văn Thánh ngủ
“Ngày hôm nay chị ăn mấy bữa rồi?”.
“Dạ có một bữa tối hà, nãy mới được mấy anh chị từ thiện cho”.
“Chị còn nhiêu tiền?”.
“Hồi sáng còn 30.000 đồng, mà mua đồ ăn cho con bé hết trơn rồi”. Không cần tôi nói, y như những người trước, chị tự động moi hết túi trước sau ra để chứng minh: “Đâu có nói dóc đâu”.
Có lẽ muỗi cắn quá, bé Nhàn đang ngủ chợt ngồi dậy gãi sột soạt. Nhân tiện, tôi hỏi luôn: “Nhàn ơi, bây giờ con muốn gì?”.
“Con muốn ở với mẹ”.
“Theo mẹ lượm ve chai thấy khổ không?”.
“Dạ hông, đi với mẹ là vui hà. Con quen rồi, có khổ gì đâu”.
“Con muốn gì nhất?”, “Dạ, con muốn ăn gà”.
“Còn thèm gì nữa không?”.
“Dạ hết rồi. Mà chú ơi, con buồn ngủ quá, con ngủ tiếp nha”, nói rồi con bé nằm xuống xe đẩy ngủ tiếp một cách ngon lành. Thỉnh thoảng, không biết nó mơ thấy gì mà cười rích rích...
Bản tin Covid-19 ngày 1.8: Cả nước thêm 8.620 ca bệnh, các nơi hỗ trợ người dân để “ai ở đâu ở đấy”
Ngủ trên nắp cống giao lộ
“Giang sơn” của ông Đinh Văn Hùng (61 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) là nắp cống ngã tư Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo, Q.5. Vợ chết, ông Hùng lên Sài Gòn lượm ve chai sinh sống hơn 20 năm nay. Trước ông ở trọ khu bến xe Q.8, từ khi có dịch Covid-19, lượm ve chai cũng khó khăn hơn nên ông ra đường ở luôn cho tới nay. “Mấy ngày nay vựa đóng cửa không thu mua ve chai nên chỉ đợi cơm từ thiện ăn thôi. Lâu lâu có người đi ngang, cho vài chục ngàn”, ông kể. Khi tôi hỏi số điện thoại, ông Hùng lôi cái điện thoại “cục gạch” ra: “Có cái này hổm bên ve chai bán 70.000 đồng, tui mua để nghe “ra dô” (radio) thôi, chứ có quen ai đâu mà gọi điện thoại”.
TP.HCM tăng cường hỗ trợ
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 1.8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng (từ ngày 9.7) thì Sở đã đề nghị các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường công tác tập trung người ăn xin, người vô gia cư trên địa bàn đưa vào các trung tâm hỗ trợ xã hội nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 11.7 đến nay, các địa phương đã tập trung 85 người vô gia cư vào cơ sở bảo trợ xã hội để thuận tiện cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi thấy trường hợp vô gia cư, người dân có thể gọi điện báo cho các phường, xã, thị trấn hoặc đường dây nóng của Sở LĐ-TB-XH để kịp thời hỗ trợ.
Bên cạnh đó, UBND phường, xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ sinh kế cho gia đình, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng, đặc biệt các đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em nhằm bảo vệ tốt cho sức khỏe và tính mạng của người dân, chú trọng khu vực trung tâm, cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi.
Sỹ Đông
Theo Lam Yên (TNO)

Có thể bạn quan tâm