Phóng sự - Ký sự

Đến Khiva lạc vào Nghìn lẻ một đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi đến Uzbekistan vào những ngày đầu thu, khi cơn gió se lạnh làm dịu dần sự oi ả lẫn trong những hạt cát. Nhắc về dãy đất Trung Á, chắc chắn những khách lữ hành sẽ không đắn đo khi nghĩ đến “Con đường tơ lụa” huyền thoại từ Đông sang Tây, hay đi ngược từ Tây qua Đông của đoàn thương gia lạc đà ngang miền nắng gió…

Nơi những nền văn hóa gặp nhau


Thuở xa xưa, vùng đất Trung Á là nơi lang thang của những tộc người du mục, du canh du cư gồm: Sogdians, Scythians, Alans, Pamiris, Uigurs, Parthian…

Khi tộc người Turkic hùng mạnh (các chuyên gia khảo cổ cho rằng họ đi ra từ dãy núi tuyết Altai thuộc nước Nga xuôi về phương Nam lục địa) thì cả dãy đất Trung Á thuộc quyền quản lý của họ.

Trong quá trình thu phục tộc người Turkic làm thần dân, các hoàng đế Ba Tư thêm hậu tố “tan” vào phía sau, theo ngôn ngữ Iran cổ có nghĩa là “vùng đất” hay “lãnh thổ”.

Trên đường hành quân xuôi ngược từ Tây qua Đông của đại đế Alexandria, hay từ Đông sang Tây của hoàng đế Kushan và Thành Cát Tư Hãn, đoàn quân viễn chinh chỉ nhớ rằng, dãy đất Trung Á có tên gọi là Turkestan - Turkiston (lãnh thổ của người Turkic). O’zbekiston hay Uzbekistan ngày nay có thể tự hào mình là quốc gia đặt tên “tan” cho các quốc gia lân cận còn lại như: Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan, Pakistan Turkmenistan và Afghanistan khi vị đại đế Cyprus đầu tiên của Ba Tư chọn Samarqand làm kinh đô cho người Turkic.

Cất vó ngựa viễn chinh qua miền gió cát đến khô người, hay thong dong theo bước chân gập ghềnh của đoàn lạc đà, đội quân thiện nghệ cùng các thương gia thầm hiểu tại sao O’zbekiston lại được các hoàng đế Ba Tư chọn làm trung tâm của dãy đất Turkestan, bởi mảnh đất ấy được hai dòng sông lớn nhất Trung Á là Syr Darya (từ Tajikistan chảy qua) và Amu Darya (từ Turkmenistan đổ vào), bao bọc và ôm ấp.

Trong thời cổ đại, khi bản đồ thế giới chưa được thiết lập và loài người chưa từng biết có bao nhiêu châu lục được Thượng đế đẩy lên từ lòng đại dương, thì đoàn người chắc chắn “O’zbekiston chính là nơi Đông gặp Tây trên con đường tơ lụa”, hay là “nơi văn hóa thế giới hội nhập”.

Ánh sáng hiu hắt từ những ngọn đèn được các thương gia đốt lên tại mỗi trạm dừng chân, trong sự náo nhiệt của những phiên chợ cuối tuần giữa kinh thành tráng lệ, những người Ba Tư, Arab sẽ gặp người Turkic, hay người Trung Hoa sẽ hội ngộ cùng người Sogdians...

Tại đây, những phạm trù văn hóa như tôn giáo, văn học hay đường nét mỹ thuật đều được các thương gia gói trọn vào những thước lụa quý giá, vào các gói gia vị thơm nồng, vào mảnh gốm sứ tinh hoa, chiếc thảm sắc màu, hay những sản phẩm được làm từ kim loại quý.

Thành phố vàng son của người Arab

Tôi đến thành phố Khiva bằng chuyến tàu đêm từ cố đô Samarkand. Buổi chiều, lang thang trong thành cổ Ichon Qala, tôi may mắn được chứng kiến Đài truyền hình Uzbekistan quay phim để quảng bá du lịch về Con đường tơ lụa ngày xưa.

Ký ức về con đường giao thương huyền thoại có từ thế kỷ II trước Công nguyên trở về thật chậm rãi trong những thước phim và tôi có thể hiểu được tại sao Uzbekistan là nơi những nền văn hóa hội tụ, hòa quyện vào nhau.

Trong thời cổ đại, sự nức tiếng của những mảnh tơ lụa mềm mại từ kinh đô Tràng An - Trung Quốc, cùng với những hũ gia vị thơm được xem là dược liệu quý hiếm từ Ấn Độ, đã khiến những thương gia lạc đà Arab, Ba Tư tìm đến Uzbekistan để trao đổi những mặt hàng mà họ đã mua được từ Rome hay Istanbul.

Sau Uzbekistan, mạch đường giao thương mang tên “tơ lụa” đã được những đoàn lạc đà Ba Tư, Arab tiếp tục thiết lập từ quốc gia Turkmenistan để đến Rome. Khác với đoàn thương gia Ba Tư chọn Bukhara - Uzbekistan là nơi đóng trạm trao đổi hàng hóa, người Arab chọn Khiva - Uzbekistan làm nơi dừng chân sau khi đoàn lạc đà đi thẳng một mạch từ Tehran - Iran đến Nusay, qua Koneurgens (Turkmenistan) để đến Khiva.


 

 Cột thánh Kalta, biểu tượng của Khiva ngày nay
Cột thánh Kalta, biểu tượng của Khiva ngày nay



Đoàn lạc đà luôn nhanh vó qua những đồi cát vàng khi bình minh đến, hay hoàng hôn buông để kịp phiên chợ sáng cuối tuần. Thành Ichon nhộn nhịp trong hương thơm loài hoa hoang dại Isiriq phơi khô được đốt lên để chào đón đoàn thương gia Arab. Họ mang đến những món hàng mới lạ mà người Khiva chỉ nghe kể qua tập truyện Nghìn lẻ một đêm.

Anh nhân viên đài truyền hình giải thích với tôi: “Người Arab rất ưa thích hương thơm hoa Isiriq, bởi ngoài tác dụng làm sạch môi trường hay xua đuổi côn trùng, Isiriq còn có công dụng trừ một số loại bệnh cảm cúm thông thường. Khác với các thành phố khác ở Uzbekistan, người Khiva ngày nay vẫn còn lưu giữ tập tục xông nhà của người Arab vào mỗi buổi tối bằng khói thơm hoa Isiriq để bọn trẻ ngủ ngon và có được sức khỏe tốt”.

Trong nhịp sống hiện đại, tưởng chừng quá khứ bị vùi lấp, nhưng thành Ichon vẫn giữ lại cho riêng mình một con đường đá cuội đầy ký ức. Đi giữa nhiều công trình đồ sộ còn trụ với thời gian trong thành cổ Ichon rộng 26ha, tôi thật sự chưa hiểu hết văn hóa của người Arab đã ảnh hưởng sâu đậm đến người Khiva như thế nào.

Nhưng rồi âm nhạc sôi động qua chiếc chập chiêng, những vũ điệu lắc bụng đặc trưng của người Arab được những người bản địa chơi bất cứ nơi đâu trên đường phố, đã giúp tôi thấm và yêu Khiva một cách lạ lùng.

Bất kể không gian, thời gian, tuổi tác, địa điểm, chỉ cần âm nhạc Arab trỗi lên là mọi người quây quần nhảy múa thật rộn ràng. Vũ hội đường phố có thể xuất hiện trong một quán ăn, một quán cà phê bên vỉa hè, hay ngay trên đường phố…

Đôi khi, thành cổ Ichon làm tôi bối rối khi tìm hiểu những hoa văn ẩn mình trong từng viên gạch men dán tường. Thật hào hứng khi được nghe các anh bán hàng giải thích cặn kẽ nét mỹ thuật cơ bản của người Khiva.

Hoa văn ngày nay của người Khiva đều lấy nền tảng nét mỹ thuật của người Arab từ bán đảo Tây Á và chúng nằm ẩn khuất đâu đó trên những khung cửa sờn màu gỗ trong các ngôi thánh đường hoặc trường dạy kinh Qu’an thuở xưa.

Dấu ấn mỹ thuật của các nền văn hóa

Qua lời kể của những khách lữ hành theo chân đoàn lạc đà thương gia Arab như Vambery (Hungary) hay Mervasi và Mohammed Al Magisi (Arab), thành Ichon từng chói lọi vàng son từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX.

Qua lời kể của ông Mevasi, cứ khoảng 4 - 5 năm/lần, các vị Sa hoàng nước Nga thường tìm đến Ichon mua lụa, bông, gia vị, da thú, những chiếc bình trà bằng đồng và cả những quả dưa hấu ngọt lịm.

Mỗi lần đến Ichon, Sa hoàng cần đến 2.000 con lạc đà. Điều này khiến vị vua thành Ichon là Khan Adakuli phải xây dựng trạm dừng chân thật rộng, với 14 mái vòm để đón khách quý.


 

 Đoàn thương gia lạc đà Arab
Đoàn thương gia lạc đà Arab



Hai ngày ở Khiva, cứ ghé qua một điểm đến trong thành cổ Ichon, tôi lại phiêu theo từng câu chuyện hàng đêm mà nàng công chúa kể cho vị vua Arab nghe về xứ sở xa lạ nào đó.

Tôi chẳng thể nhớ nổi tên một trường dạy kinh Qu’an, thánh đường, lăng mộ của những bậc hiền triết, cung điện hoàng gia đồ sộ, nhà tắm công cộng rộng lớn, các quảng trường phủ xanh bóng cây hay 4 cổng thành dẫn lối vào nội thành.

Bước đến cột thánh Kalta tuyệt đẹp trong sắc màu gạch men xanh trắng, cũng là biểu tượng của Khiva, tôi lại nghe được một giai thoại thật hay về sự dở dang của một công trình.

Truyền thuyết kể rằng, để chứng minh sức mạnh của mình, vua Khan Adakuli cho xây dựng cột tháp Minaret thật cao, để từ trên đỉnh ông có thể nhìn thấy một thành phố trọng điểm khác trên con đường tơ lụa là Bukhara, cách Ichon khoảng 400km.

Tuy nhiên, công trình chưa hoàn thành thì ông băng hà vào năm 1885. Giai thoại khác cho rằng, các kiến trúc sư không muốn hoàn thành công trình, bởi họ tin rằng việc hoàn thành có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nhà vua.

Ngôi thánh đường Juma cổ kính vẫn còn giữ khá đúng hiện trạng như ông Mohammed Al Magisi miêu tả: “Phòng cầu nguyện rộng 55 x 46m và được nâng đỡ bằng 212 cây cột có niên đại thế kỷ XII - XV. Trên thân cột và bệ đỡ cột là nét điêu khắc tuyệt đẹp của những nghệ nhân Uigurs đến từ Mông Cổ, còn trần nhà là đường nét hoa văn độc đáo của tộc người Sogdians”.

Ngôi trường Khan Adakuli 2 tầng với 90 phòng học tuyệt đẹp. Hai ngày ở Khiva, tôi luôn muốn níu kéo thời gian để được chiêm ngưỡng nhiều hơn. Trong mắt tôi, mọi đường nét mỹ thuật của các nền văn hóa quá hoàn hảo và chúng đã được những nghệ nhân tôn vinh trong thành cổ Ichon Qala.

 

Nguyễn Chí Linh (sggp)

Có thể bạn quan tâm