Thời sự - Bình luận

Dẹp ngay những "hòn đá tảng" thông tư, văn bản kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi đang phải gồng mình vượt khó bởi tác động của dịch COVID-19 thì không không ít doanh nghiệp chỉ ra rằng còn có những “chướng ngại vật” khác. Đó là có quá nhiều thông tư, văn bản kém chất lượng đang khiến họ loay hoay, thậm chí cản trở sự phát triển.

Con số được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra là chỉ trong 10 năm từ 2011 đến 2020 đã có… 5.265 thông tư, thông tư liên tịch ra đời. Riêng khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 có 2.532 thông tư. Có nghĩa là mỗi năm có tới hơn 500 thông tư được ban hành.

Nhưng điều khiến doanh nghiệp e ngại không phải là số lượng các thông tư mà chất lượng của các văn bản này. Theo quy định, Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành có chức năng quy định chi tiết các quy định được giao trong Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Pháp lệnh, Luật. Đặc biệt Thông tư được quy định thủ tục hành chính (trừ trường hợp Luật, Pháp lệnh giao) và không được quy định điều kiện kinh doanh.

Ấy thế nhưng, đã không ít thông tư còn “to hơn cả Luật”, thậm chí có những thông tư “đá” Nghị định khiến doanh nghiệp loay hoay không biết đường nào để làm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đưa ra ví dụ là cùng sản phẩm con tôm đông lạnh dùng cho người khi xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho một đơn vị quản lý trên cơ sở Thông tư 48 (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm) kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu. Cũng sản phẩm này nhưng được từ nước ngoài về Việt Nam, thì cơ quan khác lại quản lý và phải kiểm duyệt theo Luật Thú y. Nghĩa là cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau.

Hay một ví dụ rất gần khác Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1.8 tới, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế với hộ kinh doanh lại “được” các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá là chưa nhất quán với các luật về thuế.

Trong khi rất nhiều Thông tư kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhưng lại “rất ít chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng rất ít” như ý kiến của VASEP.

Vì thế, kiến nghị của VCCI về việc, gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.

Trong buổi làm việc với Bộ Tư Pháp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu cấp thiết: “Đối với những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội thì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết cả gói trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ nhất để xử lý tổng thể, kịp thời”.

Trách nhiệm của Bộ Tư Pháp là rà soát, thậm chí nhanh chóng “tuýt còi” các thông tư kém chất lượng nhằm “dẹp những hòn đá tảng” đang hằng ngày hành doanh nghiệp.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dep-ngay-nhung-hon-da-tang-thong-tu-van-ban-kem-chat-luong-925187.ldo
 

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm