Thời sự - Bình luận

Dẹp ngay quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”. Câu ca dao này ăn sâu trong tư duy người Việt, đã đến cái thời của công nghệ số, nó vẫn còn ám ảnh trong đời sống cộng đồng.

 

 Công nhân lao động TP.Hải Phòng trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh Mai Dung
Công nhân lao động TP.Hải Phòng trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh Mai Dung


Ăn chơi cả tháng vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay, đó là một tập quán không thể chấp nhận được.

Xin không dám trách cha ông xưa, bởi lẽ đời sống xã hội của mỗi thời khác nhau. Hàng trăm năm trước, con người chỉ sống nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi, thậm chí là săn bắt hái lượm. Nông nhàn không “ăn chơi” cũng chẳng biết việc gì mà làm.

Nhưng con người của thời nay có đời sống khác, có điều kiện và môi trường lao động sản xuất khác. Nếu sinh hoạt theo nếp xưa cũ là không phù hợp, đi ngược lại sự tiến bộ. Có rất nhiều quan niệm, phong tục truyền thống trước đây là mỹ tục, nhưng nếu áp dụng vào đời sống hiện đại sẽ trở thành hủ tục.

Trên thực tế, mặc dù là công chức thời “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhưng còn nhiều người vẫn thói quen cũ, không thay đổi. Vét tông, cà vạt đến công sở làm việc, nhưng rề rà chúc Tết, bày biện rượu trà, cà kê cho “hết mùng” mới chịu bắt tay vào việc. Người dân, doanh nghiệp ngóng cổ chờ qua hết ngày nghỉ Tết để cơ quan nhà nước giải quyết giấy tờ, thủ tục, nhưng không ít người thất vọng vì sự trì trệ do ăn Tết kéo dài.

Một nền hành chính công hiện đại không chấp nhận thói quen và hành vi lạc hậu. Chậm một ngày của thời đại hôm nay là lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Tham nhũng còn thu hồi được, lãng phí thì không.

Còn một bộ phận người dân khác không chỉ ăn chơi tháng một, mà “tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”. Các loại lô đề, bài bạc lôi kéo các con ma cờ bạc vào cuộc, say máu sát phạt, tan cửa nát nhà.

Quá nhiều loại lễ hội, có nhiều thứ tín ngưỡng, mỹ tục năm xưa nay biến dạng, méo mó, mất hết bản sắc, trở thành sản phẩm phản văn hóa. Nhiều người say sưa cầu khấn, đi hết đền này đến miếu khác để cầu lộc, mặc cả với thánh thần. Con người thiếu vắng niềm tin đến mức phải tin cả những thứ rất mê muội.

Một xã hội hiện đại, muốn tham gia vào con tàu văn minh của nhân loại để bay vào kỷ nguyên số, làm ra nhiều sản phẩm “make in Việt Nam”, mà nhiều người còn “chấp mê bất ngộ”, mê tín dị đoan, thì mãi mãi vẫn đứng ngoài đường ray của đoàn tàu văn minh.

Hãy dẹp bỏ tất cả những thói quen và quan niệm tiêu cực để tiến bộ. Trước hết là bắt tay vào làm việc hăng say và hiệu quả từ ngày đầu tiên trở lại làm việc.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dep-ngay-quan-niem-thang-gieng-la-thang-an-choi-881089.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm